Tin vui từ thành phố mang tên Bác
VHO- Thông tin về việc HĐND thành phố HCM quyết định đầu tư hơn 1.500 tỉ đồng để xây dựng nhà hát Opera của thành phố đã làm nức lòng những người yêu văn hóa, nghệ thuật của cả nước. Vấn đề không chỉ là một nhà hát mà thông điệp của quyết định đó có ý nghĩa lớn hơn nhiều. Phải có nhận thức, tầm nhìn hết sức đúng đắn, sâu xa về vai trò của văn hóa, nghệ thuật trong phát triển kinh tế - xã hội thời kỳ mở cửa, hội nhập của đất nước mới có thể quyết định đầu tư như vậy.
Phải chăng nó là một tuyên ngôn nhằm khắc phục một cách cụ thể, triệt để hạn chế của việc “đầu tư cho văn hóa không tương xứng với sự phát triển kinh tế trong thời gian qua”. Khiếm khuyết này đã được nhiều đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước nhắc tới. Trên thực tế, sự đầu tư không đúng mức cho văn hóa (theo nghĩa rộng) đã để lại bao nhiêu hệ lụy cho xã hội.
Nhiều chuyên gia đã cảnh báo, suy thoái đạo đức, lối sống, tham nhũng, tha hóa, chém giết tàn bạo… suy cho cùng cũng do thiếu văn hóa mà phát triển ngày càng đáng lo ngại. UNESCO đã từng cảnh báo: “Hễ nơi nào phát triển kinh tế mà không quan tâm đến yếu tố văn hóa, thì nơi đó sẽ phát sinh hệ lụy không chỉ về kinh tế mà cả về văn hóa - xã hội”. Các văn kiện của Đảng cũng đã chỉ rõ: “Văn hóa là nền tảng tinh thần xã hội”; “Văn hóa vừa là mục tiêu, vừa là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội”.
Nếu hỏi các cấp ủy Đảng, chính quyền, chắc chắn nơi nào cũng hiểu về vai trò to lớn đó của văn hóa. Tuy nhiên, để quyết định đầu tư cho xứng tầm văn hóa thì lại hoàn toàn không đơn giản. Công bằng mà nói, thời kỳ đổi mới chúng ta đã đầu tư cho văn hóa gấp nhiều lần thời kỳ trước. Thành quả của sự đầu tư ấy cũng không nhỏ. Cái lớn nhất có thể đo đếm được trong thời mở cửa, hội nhập chính là cộng đồng quốc tế ngày càng yêu mến, nể phục và trân trọng văn hóa Việt Nam, nền văn hóa lâu đời, giàu bản sắc, tinh hoa độc dáo và hết sức hấp dẫn. Lãnh đạo các ngành, các cấp và toàn dân thống nhất nhận thức rằng: văn hóa Việt Nam giàu tiềm năng cho phát triển bền vững. Và rằng, đầu tư cho văn hóa là đầu tư cho nền tảng, đầu tư cho mục tiêu, động lực của sự phát triển.
Đầu tư lớn cho văn hóa nghệ thuật ở thành phố đang là đầu tàu cho cả nước về sự phát triển kinh tế đánh dấu giai đoạn phát triển mới của đất nước. Với ý nghĩa lớn lao ấy, tôi tin rằng, lãnh đạo thành phố sẽ chỉ đạo xây dựng nhà hát một cách cụ thể, thận trọng, kiểm tra, giám sát một cách chặt chẽ để có một công trình văn hóa mang dấu ấn thời đại về kiểu dáng kiến trúc, về công năng sử dụng… đáp ứng yêu cầu về đời sống văn hóa ngày càng cao của nhân dân thành phố và nhân dân cả nước.
Và không ai ngăn cản chúng ta kỳ vọng về một công trình văn hóa có giá trị trường tồn theo thời gian. Nhà hát, niềm vui đến từ thành phố mang tên Bác.
TS. NGUYỄN VIẾT CHỨC