Thực hiện bộ quy tắc ứng xử: cần trở thành hành động thực tế!
VHO-Tôi vẫn nhớ những năm tháng học phổ thông của mình, 5 điều Bác Hồ dạy là điều nằm lòng của tất cả những đứa học sinh chúng tôi. Những nguyên tắc sống được diễn đạt bởi những câu nói giản dị, dễ nhớ, dễ thuộc, dễ vận dụng: Yêu tổ quốc, yêu đồng bào, học tập tốt, lao động tốt, giữ gìn vệ sinh thật tốt, khiêm tốn, thật thà, dũng cảm: Tất cả những điều thân thuộc ấy dần trở thành những phương châm sống không chỉ của một thời xa xưa yêu dấu, mà còn sẽ đi theo chúng tôi suốt cả cuộc đời. Và đúng như thế, xét cho cùng, mục đích của giáo dục không phải là kiến thức mà là hành động!
Lúc sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất coi trọng việc xây dựng con người, trong đó vấn đề đạo đức được Người đặc biệt quan tâm. Bác viết: Người cách mạng phải có đạo đức vì “không có đạo đức thì tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân”. Bác còn cụ thể hóa những tiêu chuẩn cho từng giới, từng ngành với những yêu cầu phù hợp với đặc điểm đối tượng và nhiệm vụ công tác.
Quay trở lại với những hiện tượng mà chúng ta vừa chứng kiến gần đây như của một cán bộ công an gây rối tại sân bay, tài xế đi xe biển xanh tát vào mặt công an khi bị nhắc nhở… hay những hành vi không phù hợp với ứng xử nơi công cộng, không thực hiện đúng quy tắc ứng xử của cán bộ công chức khác đã một lần nữa nhắc nhở chúng ta về những lệch lạc trong thái độ, hành vi của một bộ phận cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức nhà nước trong ứng xử hằng ngày. Điều mà Tổng Bí thư đã từng lên tiếng cảnh báo từ Hội nghị Trung ương 4 Khóa XI (tháng 1 năm 2012): “Một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trong đó có những đảng viên giữ vị trí lãnh đạo, quản lý, kể cả một số cán bộ cao cấp, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống với những biểu hiện khác nhau về sự phai nhạt lý tưởng, sa vào chủ nghĩa cá nhân ích kỷ, cơ hội, vô nguyên tắc...”.
Câu chuyện ở đây là, tại sao chúng ta có tương đối đầy đủ các hướng dẫn, quy tắc ứng xử song ở đây, ở đó, lúc này, lúc kia, đội ngũ cán bộ vẫn có những biểu hiện lệch lạc trong ứng xử như họ chưa hề biết các quy định đã được ban hành. Những chiến sĩ công an đều rất thuộc 6 điều dạy của Bác đối với công an nhân dân, trong đó có điều: Đối với nhân dân phải kính trọng, lễ phép! Phải chăng việc nói một đằng làm một nẻo đang thực sự tồn tại trong xã hội? Phải chăng những trang bị kiến thức chưa chuyển thành hành vi thực tế?
Việc một cán bộ công an gây rối tại sân bay đã gây bức xúc trong dư luận
Chúng ta đang sống trong một xã hội truyền thông phát triển, ở đó, mọi hành vi của người thi hành công vụ cả trong và ngoài thời gian làm việc đều có khả năng bị giám sát. Tất cả chúng ta không thể đổ lỗi cho các phương tiện truyền thông này đã làm ảnh hưởng đến đời sống cá nhân, riêng tư của chúng ta, mà chỉ giúp chúng ta ý thức rõ ràng hơn về vai trò làm gương trong xã hội mọi lúc, mọi nơi. Như vậy, lúc nào, ở đâu, những nguyên tắc đạo đức, quy định ứng xử cũng phải được thực hiện và dần trở thành thói quen, một hành động mang tính vô thức của đội ngũ cán bộ. Chỉ khi làm được điều đó, đội ngũ cán bộ của chúng ta mới giữ vững được vai trò, vị trí làm gương, đầu tàu trong việc xây dựng và phát triển đất nước.
Những bộ quy tắc ứng xử không phải là những quy định hình thức, cũng không phải là những quy định chỉ được áp dụng ở những địa điểm nhất định. Đảng ta đang quyết tâm xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước. Trong xây dựng và phát triển văn hóa, con người, việc thực hiện những bộ quy tắc ứng xử là một trong những hành động đầu tiên mà mỗi người cần thực hiện để hiện thực hóa chủ trương lớn của Đảng. Tôi tin rằng, những lệch lạc mà chúng ta chứng kiến gần đây không phải là những hành vi phổ biến, không đại diện cho đội ngũ cán bộ. Đây sẽ là những bài học để đội ngũ cán bộ ý thức tốt hơn về trách nhiệm của mình đối với công việc và đối với xã hội. Từ việc làm gương của đội ngũ cán bộ, những thông điệp tốt đẹp của cuộc sống sẽ lan tỏa toàn xã hội!
PGS.TS BÙI HOÀI SƠN