Thu hút nhân tài: Nhân văn và thực tế

VHO- “Nhân tài” được gọi tên theo nhiều cách như “hiền tài” là người toàn diện có cả tài năng và đức độ ở mức rất cao; “thiên tài” là người có tài năng vượt trội như được trời phú. Gần đây, có những cuộc hội thảo và bài báo nói về đề tài thu hút nhân tài ở Việt Nam. Ở đó đều cho rằng nhân tài là phải vừa có tài năng, vừa có đạo đức, vừa có thái độ và lối sống văn hóa... và có ích cho xã hội. Điều đó hoàn toàn đúng về lý thuyết nhưng trên thực tế, loài người được tạo hóa sinh ra lại theo quy luật “nhân vô thập toàn”, những người hoàn hảo chiếm tỷ lệ rất thấp.

 Như vậy vấn đề thu hút nhân tài phải được nhìn từ hai góc độ: Tính nhân văn và tính thực tế.

Thu hút nhân tài nhìn theo góc độ nhân văn hay thực tế còn tùy thuộc vào mục đích của đối tượng sử dụng. Kinh nghiệm từ lịch sử cho thấy, nếu thu hút nhân tài cho vai trò xã hội càng cao thì càng cần người toàn diện (hiền tài), nếu thu hút nhân tài cho thực hiện những lĩnh vực cụ thể thì cần những người có kỹ năng chuyên biệt. Nói cách khác, thu hút nhân tài không nên dựa vào một bộ tiêu chí chung và không phải chỉ dựa vào chính sách của nhà nước, trong đó quan trọng nhất là mức độ đãi ngộ và môi trường làm việc thích hợp để thu hút, giữ chân người tài mà còn có những yếu tố văn hóa không kém phần quan trọng.

Kinh nghiệm từ lịch sử cho thấy, cách thu hút nhân tài của vua Quang Trung thể hiện trong “Chiếu cầu hiền” mang đậm đức tính khiêm nhường, cầu thị như câu viết: “… nay Trẫm ngày đêm mong mỏi nhưng người học rộng tài cao chưa thấy ai tìm đến… hay Trẫm ít đức không đáng để phò tá chăng…”. Đến thời hiện đại, Chủ tịch Hồ Chí Minh, dùng “sức hút nhân tài” bằng trí tuệ minh triết, đạo đức thánh nhân và lòng yêu nước, thương dân, nên đã cảm hóa được những trí thức lớn tham gia kháng chiến chống thực dân, bảo vệ độc lập dân tộc.

Ngày nay, nhà nước đã có chính sách thu hút nhân tài. Nhưng từ quy định đến thực tế còn có khoảng cách khá xa và ở mỗi nơi, việc thực hiện cũng khác nhau. Từ các cuộc hội thảo và báo chí phản ánh thì dường như “điểm nghẽn” lớn nhất từ chính sách là mức độ đãi ngộ và quy chế làm việc chưa đủ sức hút và giữ chân các chuyên gia giỏi, nhất là với người nước ngoài. Mặc dù có nhiều ý kiến cho rằng đãi ngộ vật chất không phải là yếu tố duy nhất quyết định, nhưng nhìn từ quan điểm thực tế của kinh tế thị trường thì thì phải tuân thủ quy luật “cung-cầu” và “thuận mua vừa bán”. Nói cách khác là đãi ngộ và cống hiến phải “ngang giá”. Tuy nhiên, thu hút nhân tài không nên cầu toàn mà cần linh hoạt. Nếu nhìn từ góc độ nhân văn thì nên coi phẩm chất đạo đức, lối sống quan trọng hơn kỹ năng thực hành. Nhưng nếu nhìn từ góc độ thực tế về hiệu quả kinh tế thì nên coi kỹ năng thực hành quan trọng hơn thái độ và lối sống. Thu hút nhân tài không phải chỉ nhằm vào bộ phận đã được đào tạo chính quy, đã có bằng cấp, học hàm học vị, mà nguồn gốc nhân tài còn từ những người có bản năng thiên phú và “tự đào tạo” qua hoạt động thực tiễn. Như Hồ Chí Minh không qua đào tạo chính quy về triết học nhưng có trí tuệ của bậc minh triết. Như Võ Nguyên Giáp chưa qua trường võ bị nhưng được vinh danh là một trong 10 danh tướng của mọi thời đại. Mặt khác, những người có tài năng đặc biệt là “Chân nhân bất lộ tướng” nên việc phát hiện và thu hút không phải dễ dàng.

Ngày nay khu vực kinh tế tư nhân đã có những công ty “săn đầu người” (tìm kiếm người tài), đồng thời tổ chức rất nhiều cuộc thi, tìm kiếm tài năng và có các “lò đào tạo tài năng trẻ”… vì việc tìm kiếm thu hút nhân tài được coi như chiến lược phát triển và được đầu tư không nhỏ. Trong khi đó, ở hệ thống bộ máy nhà nước, vấn đề này còn có những “điểm nghẽn” từ nhiều phía: Trước hết là tình trạng cái gì cũng có thể “chạy” được bằng tiền từ chức, quyền, bằng cấp, đến danh hiệu… nên gần như không có nhu cầu tìm kiếm thu hút nhân tài. Thứ hai, tình trạng lợi ích nhóm nên cũng không cần tìm nhân tài là người ngoài nhóm. Thứ ba là có những người đứng đầu mà tính cách hẹp hòi, năng lực hạn chế nên họ không cần người tài vì sẽ làm lu mờ vai trò của họ.

Nhìn chung, tình trạng nhân tài bị kẻ cơ hội làm hại ở thời nào cũng có nên cụ Nguyễn Du đã viết: “Chữ tài liền với chữ tai một vần”. Điều đó ứng với trường hợp oan khuất của Nguyễn Trãi. Ngày nay, tình trạng đó diễn ra phức tạp và tinh vi hơn ở một số nơi như hình ảnh ví von: “Trên trải thảm dưới rải đinh” đã làm nản lòng không ít người tài mong muốn được cống hiến tài năng cho đất nước…

TS NGUYỄN HỮU NGUYÊN

Ý kiến bạn đọc