Thông điệp về văn hoá trong bài phát biểu của Thủ tướng
VHO- Ngày 20.10, trình bày báo cáo của Chính phủ về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - văn hoá, xã hội năm 2022; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - văn hoá, xã hội năm 2023, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ghi nhận những đóng góp, cũng như chỉ rõ những vấn đề đang đặt ra đối với ngành văn hoá. Tâm trạng của tôi đối với nội dung về văn hóa trong báo cáo lần này là thực sự hạnh phúc bởi nhiều tín hiệu tích cực.
Thủ tướng Phạm Minh Chính trình bày Báo cáo của Chính phủ trước Quốc hội
Thứ nhất đó là dung lượng nội dung dành cho văn hóa đã có sự cải thiện tích cực. Nếu như trong nhiều báo cáo, phần viết về văn hóa quá ngắn gọn, thậm chí rất lạc lõng trong tổng thể các vấn đề kinh tế - xã hội, chủ yếu nhìn nhận ở việc tổ chức các sự kiện, lễ hội thì lần này báo cáo của Chính phủ đã dành một phần thích đáng cho văn hóa với 10 dòng viết về kết quả đạt được, 1 dòng viết về tồn tại, hạn chế, và đặc biệt là cả một mục với 16 dòng cho nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu. Dù số lượng chưa phải là tất cả nhưng việc Chính phủ dành nhiều nội dụng cho văn hóa đã chứng minh sự quan tâm đặc biệt đến lĩnh vực này, cũng như sức lan tỏa từ Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021.
Thứ hai là những vấn đề lớn, mới, phức tạp của văn hóa được chỉ rõ và đề cập cả những giải pháp khắc phục. Nhìn nhận thẳng thắn phát triển văn hóa chưa tương xứng, ngang tầm với phát triển kinh tế, bên cạnh những giải pháp đối với các vấn đề lớn như phát triển toàn diện và đồng bộ các lĩnh vực văn hóa, gắn kết hài hoà giữa phát triển kinh tế với văn hóa, quan tâm đến bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di sản, văn hóa dân tộc, các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của các vùng miền, tôi rất tâm đắc với những giải pháp tạo đột phá của Chính phủ như ưu tiên đầu tư xây dựng, nâng cấp và cải tạo hệ thống thiết chế văn hóa; tập trung xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, văn hóa công sở, đặc biệt là đạo đức công vụ; xây dựng môi trường văn hóa số, thị trường văn hóa lành mạnh và phát triển nền tảng công nghiệp văn hóa.
Phải nói rằng, từ khá lâu rồi, tôi mới có cảm giác một báo cáo của Chính phủ đã có được một cách đánh giá bao quát về những vấn đề của văn hóa. Báo cáo đã đem đến nhiều niềm tin và hy vọng, tâm trạng tích cực cho những người làm và yêu văn hóa nghệ thuật. Đặc biệt là khi lĩnh vực đặc biệt quan trọng và tinh tế này đang có nhiều xung lực phát triển từ sự ủng hộ của lãnh đạo Đảng, Nhà nước và toàn thể nhân dân. Chúng ta hoàn toàn có hy vọng rằng, từ báo cáo có nhiều nội dung và thông điệp này, văn hóa sẽ được quan tâm nhiều hơn, thực sự đóng vai trò là hệ điều tiết cho sự phát triển đất nước.
PGS.TS BÙI HOÀI SƠN