Thói quen xả rác
VHO- Tại một lễ hội đông người, một anh bạn người nước ngoài cầm trên tay một vỏ chai nước khoáng đi tìm thùng rác nhưng không thấy ở đâu, anh không ném bừa vỏ chai vào xó xỉnh nào. Tôi hiểu ý và đón lấy cái vỏ chai của anh, anh chàng mới thấy thoải mái đi tiếp. Đó là thói quen không xả rác. Ngược lại người có thói quen xả rác thì bạ đâu vứt đó. Thói quen khó tập và cũng khó bỏ. Tập cho được thói quen không xả rác, hay bỏ thói quen xả rác đều khó. Đã có thói quen không xả rác mà “tập” cho có thói quen xả rác cũng khó, dù đó là thói quen xấu, không nên “tập”.
Tôi thật sự ái ngại khi thấy có những người lội xuống các con mương dòng nước đen ngòm để vớt rác “trăm thứ bà giằn” do người ta vứt ra. Người ta vì lương tâm và trách nhiệm mà làm, và hẳn họ cũng hiểu rằng cùng lắm họ cũng chỉ dọn sạch một phần nhỏ trong rất nhiều rác, và không khéo chỗ họ dọn nay sạch nhưng chỉ đến mai thôi lại cũng đầy rác. Nhưng cố còn hơn không. Tôi cũng thực sự ái ngại khi thấy ở nơi này nơi khác có những đống rác khổng lồ mà không hiểu nổi làm sao có thể tiêu hủy hết. Lại cách đây chưa xa, người dân tỉnh Quảng Ngãi bỗng thấy bãi biển của mình đầy những rác. Người nói rác do người ta bỏ trên sông trôi ra biển, người nói ngư dân đánh cá trên biển vứt rác xuống biển gặp khi sóng lớn tấp vào. Dù là từ đâu thì điều rõ ràng rác đã bị vứt bừa bãi mà không được gom đúng chỗ đúng nơi để xử lý.
Thật nghịch lý, thuở đất nước còn khókhăn và hàng hóa khan hiếm chưa có cảnh tượng như vừa kể. Thuở ấy người ta gói xôi trong lá chuối, cơm bún đựng trong những chiếc hộp dùng đi dùng lại biết bao lần mà không muốn bỏ đi. Cho nên phần nhiều các nơi có không khí trong lành, sông suối thanh sạch đến mức người ta cứ vô tư vốc lên uống. Thuở ấy, cũng có trường hợp con chuột chết người ta sợ dơ vườn nhà mình bèn ném ra đường, con heo chết sợ mất công đem chôn bèn mang ra mương ném xuống, nhờ nước “tải” xác heo đi, mang theo mùi hôi thối. Những hành vi xả rác như vậy đã dần được khắc phục, dù vẫn còn khá phổ biến.
Xưa kia dù người ta có xả rác nhưng hầu hết là loại rác hữu cơ, một thời gian rác sẽ tự hoại, không đến nỗi di hại lâu dài. Cái đáng ngại nhất là ngày nay các loại rác công nghiệp với nhiều hóa chất, rác thải nhựa, các loại máy móc thiết bị với nhiều chất gây hại môi trường rất khó phân hủy. Các thứ rác có nơi chất cao như đồi núi. Nó là hệ quả của các sản phẩm từ xã hội tiêu dùng, là mặt trái của nền công nghệ mới. Xưa người ta chỉ dùng vải từ bông vải, nay người ta dùng vải sợi chiết xuất từ dầu mỏ. Xưa mỗi người chỉ có vài ba bộ quần áo, nay cả hàng chục bộ, mà bộ nào khi thải ra cũng khó phân hủy. Người ngày nay lại dùng máy truyền hình, các thứ thiết bị điện, bàn nhựa, ghế nhựa, xô nhựa, ca nhựa, dép nhựa thải ra môi trường không phân hủy được. Bao bì nhựa rất tiện ích cũng là một thủ phạm chính: một bà nội trợ đi chợ mang về hàng chục bao bì nhựa, chỉ một tô phở, một ly cà phê mang về cũng thải ra nhiều bao nhựa. Ngư dân đánh cá trên biển mang theo rất nhiều túi nhựa, tiện tay vứt xuống biển. Các nhà khoa học thế giới đã nghiên cứu thấy có các hạt “vi nhựa” phát tán trong nước biển, thậm chí ở nơi xa xôi như Bắc Cực. Đó là sự cảnh báo đáng sợ: môi trường biển cũng bị ô nhiễm nặng, các loài tôm cá “ăn phải nhựa, thở phải nhựa” và tất yếu truyền chất độc hại trở lại cho loài người. Do đó mà ở nước ta đã có chủ trương giảm chất thải nhựa, có một số đảo du lịch đã cấm du khách mang túi nhựa ra đảo. Trên thế giới các nước Trung Đông vốn giàu lên nhờ dầu mỏ, nhiên liệu hóa thạch (fossil fuels) nhưng họ cũng chuyển sang năng lượng tái tạo, năng lượng xanh. Tự thân họ cũng đã hiểu rằng không thể trông cậy vào dầu mỏ mãi được.
Bởi vậy mà không nên chần chừ, từng người nên sớm để tâm nhiều đến vấn đề thói quen xả rác, nên sống có trách nhiệm bằng cách giảm rác thải, một số nhà máy xí nghiệp cũng cần bỏ “thói quen xả rác” (lén xả ra môi trường), và các cơ quan chức năng nên có chế tài nghiêm túc đối với hành vi gây hại môi trường.
CAO CHƯ