Thay đổi nhận thức để thắng đại dịch
VHO- Chống dịch như chống giặc là khẩu hiệu nhằm xác định tinh thần đoàn kết, quyết tâm và quyết liệt như trong chiến tranh. Việt Nam chúng ta đã chống dịch với tinh thần như thế. Nhưng quá trình diễn biến của dịch trên thế giới và ở Việt Nam rất khó lường, phức tạp, đợt dịch thứ tư bùng phát đã xóa đi phần lớn thành quả của những đợt trước. Phải chăng “chống dịch khó hơn chống giặc”? Điều này có lẽ bắt nguồn từ sự khác nhau rất lớn về tính chất và “kẻ thù” của hai cuộc chiến.
Trước tiên, chống giặc có đối thủ là con người nên có thể nhìn thấy và phán đoán được các thủ đoạn của đối phương để hoạch định chiến lược và phương pháp thực hiện tương đối sát với thực tế.
Nhưng chống dịch là đối thủ vô hình, chúng “phục kích” mọi nơi, tấn công mọi lúc và biến thể bất định, nên chúng ta không đủ thông tin để hoạch định chiến lược và xác định biện pháp đúng lúc, kịp thời. Trên thực tế, loài người gần như đang bị động và đuổi theo sự biến đổi của các biến thể Covid-19. Phải chăng dịch bệnh này nguy hiểm hơn và khó đối phó hơn giặc ngoại xâm?
Về các giải pháp ngăn chặn, khi chống giặc còn có thể bao vây, triệt phá các con đường di chuyển của đối phương, nhưng với Covid, ngăn chặn chúng là ngăn chặn chính mình.
Về huy động nguồn lực, khi chống giặc, hậu phương luôn cung cấp vật lực và nhân lực cho tiền tuyến. Có thể “tổng động viên” để tăng nhanh quân số cho mặt trận. Nhưng với chống dịch, hậu phương và tiền tuyến luôn đổi chỗ cho nhau. Mặt khác, không thể tăng nhanh đội quân áo trắng vì thời gian học y khoa lâu hơn nhiều so với học bắn súng. Khi đánh giặc, nhân dân giúp đỡ để bộ đội “ăn no và đánh thắng”. Nhưng trong chống dịch, khi Covid buộc người dân phải “ai ở đâu ở yên đó” thì bộ đội lại phải “đi chợ” giúp dân và công việc “trái tay” ấy khiến những người lính rất lúng túng.
Về quản lý hoạt động kinh tế, xã hội thì trong thời chiến tranh, chính quyền đã từng tổ chức sơ tán dân ra khỏi thành phố lớn một cách trật tự và an toàn. Nhưng trong chống dịch, có lúc biến động vượt khỏi tầm kiểm soát của chính quyền như việc những dòng người bỏ phố về quê mà báo chí đã đăng hình ảnh và mô tả bằng những ngôn từ khốc liệt hơn cả cuộc chạy loạn thời chiến. Một bộ phận không nhỏ người dân rơi vào tình thế “tiến thoái lưỡng nan” bởi ở thì không còn phương tiện mưu sinh, đi thì không được “thông chốt” và địa phương cũng không tiếp nhận. Điều đó phản ánh tính chất khó khăn do sự biến động phức tạp của dịch bệnh, nhưng cũng phản ánh năng lực tổ chức, quản lý xã hội và khả năng liên kết vùng trong phòng, chống dịch của các cấp chính quyền còn khá nhiều mặt hạn chế, bất cập.
Trên mặt trận văn hóa, truyền thông cũng gặp những khó khăn lớn hơn, cụ thể là những thông tin tích cực về chống dịch gây ấn tượng không mạnh bằng các tin tức tiêu cực như số ca nhiễm, số tử vong tăng cao, các vụ tham nhũng trong lĩnh vực y tế… Mặt khác, các thông tin tiêu cực và hình ảnh về dịch bệnh rất dễ bị xuyên tạc và khó kiểm soát nên dễ dàng tạo ra tâm lý hoang mang, giảm sút niềm tin trong dư luận quần chúng.
Như vậy, tinh thần “chống dịch như chống giặc” hoàn toàn phù hợp với yêu cầu của tình thế nhưng dường như là chưa đủ. Phải chăng còn phải nhận thức rõ hơn một thực tế là “chống dịch còn khó hơn chống giặc” vì phải sử dụng hệ kiến thức khác, phải có cách hoạch định chiến lược mới, phải biết vận dụng những kỹ năng linh hoạt, sáng tạo hơn và phải có cách quản lý xã hội cụ thể và trách nhiệm cao hơn. Đồng thời người dân cũng cần đoàn kết, chia sẻ, thông cảm với những khó khăn chung của đất nước mới có thể cùng nhau chiến thắng đại dịch.
TS NGUYỄN HỮU NGUYÊN