Thắng không kiêu, bại không nản

VHO- Thắng không kiêu, bại không nản là bài học từ ngàn đời nay cho mọi người, cho mọi việc và cho mọi hoàn cảnh. Tuy vậy, để thực hiện được bài học này quả không dễ!

Thắng không kiêu, bại không nản - Anh 1

 Chính tôi, với tư cách là khán giả đã nản. Nản khi đội nhà để thủng lưới 2 bàn và không hiểu tại sao huấn luyện viên Park Hang Seo lại thay Tiến Dũng bằng Thanh Bình, và càng không hiểu khi Hồng Duy đã chạy bộ trên sân lâu rồi mà Công Phượng vẫn phải ngổi chờ ngoài sân? Tôi nản đến mức phải tắt tivi đi ngủ.  à sự nản ấy đã phải trả giá đắt là không được xem trực tiếp màn trình diễn đẹp mắt với sự quả cảm về ý chí và diệu nghệ về bóng đá của các cầu thủ Việt Nam.

Còn may là tình yêu bóng đá đích thực vượt trội “tình yêu bóng đá thắng” đã thúc dục tôi xem tin tức sớm để biết được một kết quả khó tin: chỉ sau lúc tôi nản bỏ đi ngủ Việt Nam đã có tới 2 bàn. Việc Trung Quốc có thêm 1 bàn hoặc nhiều hơn vài bàn nữa tôi không quan tâm, vì họ là đội mạnh hơn và đã đúng hơn khi “dụ” để chúng ta từ bỏ lối đá phòng ngự phản công vốn là thế mạnh của mình để có 2 bàn khi hiệp 2 chỉ còn hơn 10 phút. Điều tôi quan tâm là làm sao mà cầu thủ Việt Nam có thể ghi được 2 bàn khi thời gian còn quá ít và trong tình thế bị dẫn tới 2 bàn.  May cho tôi là còn kịp xem phát lại cũng trên kênh VTV6. Chỉ là xem phát lại khi đã biết tỉ số vậy mà tôi vẫn hết sức phấn khích. Lấy bóng bằng chân phải, rồi tâng bóng sang chân trái tung cú sút diệu nghệ vào lưới đối phương thì Hồ Tấn Tài đã thật sự tới độ chín cần có của một cầu thủ. Và tiếp ngay sau, chạy chỗ thông minh, đón đường chuyền tinh quái và chính xác như đặt của Quang Hải, Tiến Linh đã chọc thủng lưới đội bạn một cách lạnh lùng.

Khi ấy tôi tự trách mình mới thấy đội nhà thua 2 bàn đã nản! Nhưng rồi tôi cũng tự an ủi: mình già rồi, sức khỏe đã kém, tinh thần cũng kém, làm sao có bản lĩnh như các cầu thủ trẻ nhưng đã trải qua nhiều trận “cửa dưới” mà cống hiến hết mình cho cái đẹp của bóng đá! Cám ơn các cầu thủ của đội nhà, những ngưởi đã giúp tôi hiểu hơn thế nào là thắng không kiêu, bại không nản và khích lệ tôi phải tiếp tục học, học suốt đời vì đời đâu chỉ có bóng đá.

Ngay việc phòng chống Covid – 19, bài học thắng không kiêu, bại không nản có lẽ cũng còn nguyên giá trị. Dịch dẫu có hạ nhiệt, nhưng chủ quan một chút cũng có thể làm dịch bùng phát trở lại dữ dội hơn.Trong tình trạng này, khiêm tốn bao nhiêu cũng không đủ, tự kiêu một chút cũng là thừa. Chỉ chủ quan, lơ là, vô trách nhiệm một chút thôi, chỉ khởi phát từ một vài người trong một ngõ hẻm, một thôn bản nào đó thôi, cũng có thể lan thành dịch bệnh cho cả nước. Và dịch bệnh bùng phát lần thứ 4 khó kiểm soát đã gây ra tổn thất lớn như thế nào về người và vật chất chắc đã là bài học đắt giá cho tất cả chúng ta. Bài học bại không nản đang giúp chúng ta đứng dậy, bởi cuộc sống cần như thế, và chúng ta đã nhiều lần làm được như thế. Cuộc sống là thế. Bóng đá cũng thế .Trước mắt các cầu thủ của chúng ta còn nhiều trận, mà trận nào chúng ta cũng gặp những đối thủ mạnh hơn. Ra biển lớn không thể không gặp sóng cả. Gặp sóng cả không ngã tay chèo mới là anh tài, mới lớn lên được. Chúc các cầu thủ tiếp tục bóng đá cống hiến với bản lĩnh của các chiến binh sao vàng!

TS. NGUYỄN VIẾT CHỨC

Ý kiến bạn đọc