Tăng nặng hình phạt là chưa đủ

VHO- Tổng cục Đường bộ Việt Nam vừa có đề xuất tăng nặng mức xử phạt đối với hành vi vi phạm nồng độ cồn, có nguy cơ mất an toàn giao thông. Theo đó, đối với người điều khiển ô tô vi phạm nồng độ cồn ở mức cao nhất (mức 3 - vượt quá 80 mg/100 ml máu hoặc vượt quá 0,4 mg/lít khí thở), sẽ bị phạt tiền từ 34 - 40 triệu đồng và tước quyền sử dụng giấy phép lái xe 22 - 24 tháng. Ở mức vi phạm thấp hơn (mức 2 - nồng độ cồn vượt quá 50 - 80 mg/100 ml máu hoặc vượt quá 0,25 - 0,4 mg/lít khí thở), sẽ phạt tiền từ 18 - 20 triệu đồng và tước giấy phép lái xe 14 - 18 tháng.

Tăng nặng hình phạt là chưa đủ - Anh 1

 Đối với người điều khiển mô tô, đề xuất tăng nặng ở mức cao nhất là xử phạt từ 7 - 8 triệu đồng và tước giấy phép lái xe 22 - 24 tháng đối với tài xế có nồng độ cồn vượt quá 80 mg/100 ml máu hoặc vượt quá 0,4 mg/lít khí thở. Như vậy, việc đề xuất tăng nặng hình phạt nêu trên là một trong những giải pháp nhằm góp phần ngăn chặn tài xế say xỉn gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông. Tuy nhiên, đây chỉ là giải pháp cần nhưng chưa đủ. Muốn ngăn chặn tài xế say xỉn phải thực hiện đồng bộ các giải pháp chứ không chỉ dựa vào các quy định xử phạt.

Thực tế thời gian qua, quy định xử phạt đối với tài xế say xỉn là rất nghiêm khắc, tuy nhiên việc thực thi quy định có lúc, có nơi còn chưa nghiêm nên không có tính giáo dục, răn đe, ngăn ngừa hành vi vi phạm. Tình trạng bỏ qua hành vi vi phạm đối với các tài xế say xỉn vẫn diễn ra phổ biến; tài xế say xỉn thường xin xỏ, mua chuộc lực lượng chức năng khi bị bắt lỗi vi phạm; khi bỏ qua hành vi vi phạm thì lần sau tài xế sẽ tiếp tục tái phạm, dẫn đến tình trạng “nhờn luật”. Do vậy, để ngăn chặn tài xế say xỉn, trước hết phải thực thi nghiêm túc các quy định của pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính; tuyệt đối không nể nang, né tránh, tiêu cực trong xử lý vi phạm.

Không chỉ dừng lại ở việc xử phạt hành chính nghiêm khắc, mà phải làm cho các tài xế say xỉn cảm thấy xấu hổ về hành vi của mình. Nếu việc xử phạt hành vi say xỉn của tài xế chỉ đơn thuần là chấp hành việc nộp phạt, sau đó lại tái phạm, bị phạt và tiếp tục nộp phạt thì ý thức của các tài xế sẽ không thay đổi. Nhưng nếu có thêm chế tài làm cho tài xế say xỉn cảm thấy xấu hổ thì ý thức chấp hành pháp luật sẽ được nâng cao.

Muốn vậy, ngoài quy định xử phạt vi phạm hành chính cần bổ sung thêm chế tài khác như phạt lao động công ích hoặc “bêu tên” đối với tài xế say xỉn. Việc “bêu tên” là cần thiết, vì nếu “bêu tên” thì các tài xế say xỉn sẽ cảm thấy xấu hổ, mặc cảm với đồng nghiệp, người thân, bạn bè và uy tín của chính lái xe khi hành nghề. Do vậy, nhiều lái xe sẽ ý thức hơn trong việc sử dụng rượu, bia khi tham gia giao thông.

Bên cạnh đó, thói quen sử dụng rượu, bia là nét văn hóa truyền thống của người dân Việt Nam; các quán nhậu lúc nào cũng đông nghẹt, nhậu xong thì tự lái xe về nhà, ít khi để xe lại quán và sử dụng phương tiện giao thông công cộng. Vì vậy, song song với việc xử phạt nghiêm khắc và “bêu tên” đối với các tài xế say xỉn, việc đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức đối với các tài xế không sử dụng rượu, bia khi tham gia giao thông thì việc khuyến khích phát triển các loại hình dịch vụ đưa, đón người say xỉn về tận nhà cũng là một trong những giải pháp hữu ích nhằm giảm thiểu tai nạn giao thông.

Có như vậy, mới góp phần ngăn chặn những vụ tai nạn giao thông thảm khốc do các tài xế say xỉn gây ra.

ĐỖ VĂN NHÂN

Ý kiến bạn đọc