Tặng lại sự sống ngay cả khi đã chết
VHO- Người đầu tiên của tỉnh Ninh Bình cũng như của cả nước hiến giác mạc (năm 2007) là bà Nguyễn Thị Hoa, 80 tuổi ở xã Cồn Thoi, huyện Kim Sơn. Hiện toàn tỉnh có trên 15.000 người đăng ký hiến mô, tạng, trong đó 490 người đã hiến giác mạc (mô) và 3 người hiến tạng. Nhờ sự đồng thuận của các tầng lớp nhân dân và nỗ lực, cố gắng của các cấp hội, Hội Chữ thập đỏ tỉnh Ninh Bình vươn lên và trở thành đơn vị dẫn đầu trong cả nước triển khai có hiệu quả nhiệm vụ tuyên truyền, vận động người dân đăng ký và hiến mô, tạng.
Đây là hoạt động không thể đo lường giá trị bằng tiền, mà nói lên giá trị nhân đạo, hoạt động nhân văn cao cả nhất giữa con người với con người, vì thế ca dao có câu: “Cứu một người phúc đẳng hà sa”, hay “Dẫu xây 9 đợt phù đồ, không bằng làm phúc cứu cho một người”… Điều đặc biệt hơn, phong trào đã lan tỏa tính nhân đạo, nhân văn, tình thương yêu con người và gửi tới mọi người trong xã hội “chuỗi giá trị nhân đạo”, đó là: Khi khỏe mạnh thì thi đua học tập, công tác, lao động, sản xuất xây dựng gia đình, quê hương, đất nước và chia sẻ yêu thương với người khó khăn, hiến tặng máu cho người bệnh; lúc qua đời thì trao tặng cái quý nhất còn lại của mình, góp phần mang lại ánh sáng và nối dài sự sống cho nhiều người bệnh...
Để đạt được kết quả này, các cấp Hội đã kiên trì và tích cực phối hợp chặt chẽ với chức sắc, chức việc, các tổ chức tôn giáo để tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân tham gia đăng ký và hiến mô tạng. Hội đã xác định đây là việc làm vô cùng khó, trong quá trình thực hiện vừa làm, vừa học hỏi, vừa rút kinh nghiệm và đã tìm ra những vấn đề cốt lõi cần thực hiện. Đúc kết và chia sẻ kinh nghiệm thực hiện vận động hiến mô và bộ phận cơ thể người của Hội thông qua 10 chữ: “Thông tin - Vận động - Chăm sóc - Tiếp nhận - Tri ân”.
Để tiếp tục có nguồn mô, bộ phận cơ thể người kịp thời cứu sống hàng ngàn người bệnh đang mòn mỏi mong chờ được ghép; mang lại cho người mù được nhìn thấy ánh sáng và những trái tim, quả thận, lá phổi, buồng gan... tiếp tục hồi sinh trong cơ thể người khác trên mọi miền của Tổ quốc, người bệnh được nối dài sự sống cần có sự chung tay, đồng hành của các cấp, các ngành, các tổ chức đoàn thể đẩy mạnh công tác truyền thông; người dân sẵn sàng hành động đăng ký và quyết định hiến tặng mô, tạng khi chẳng may qua đời. Đó là nền tảng giá trị nhân văn và tình người trong dòng chảy văn hóa của người Việt Nam. Biến người bình thường trở thành người anh hùng, đồng ý hiến tặng một phần cơ thể của mình cho người khác.
Vận động người dân đăng ký và hiến mô, tạng đã khó, việc ghép mô, tạng còn khó hơn nhiều. Hội Chữ thập đỏ đã góp sức cùng ngành y tế tạo ra một trong những thành tựu quan trọng trong việc chữa bệnh, đặc biệt đối với các bệnh nhân mắc bệnh mạn tính, hiểm nghèo (như suy thận mạn, suy gan, suy tim, suy tuỷ...) do các mô, bộ phận cơ thể bị suy giảm chức năng và không hồi phục.
Hiện ngành ghép tạng nước ta đang đứng trước thực trạng thiếu trầm trọng nguồn mô, tạng để cấy ghép. Bộ Y tế thống kê cả nước hiện có hơn 10.000 người bị suy tạng cần ghép, khoảng 300.000 người bị bệnh lý giác mạc không có giác mạc thay thế. Nhiều bệnh nhân đã phải chết trong thời gian chờ ghép trong khi nguồn mô, tạng từ hàng chục ngàn ca chết não, chết ngừng tim vì tai nạn giao thông và các trường hợp tử vong khác đã không được sử dụng để cứu người bệnh là một sự lãng phí lớn và đặt ra cho chúng ta nhiều trăn trở.
“Chết là không tránh khỏi, nhưng có thể tránh được cái chết buồn tẻ, xoàng xĩnh” là tựa bài viết trang bìa của Tạp chí Nhà kinh tế (The Economist) của Anh Quốc ngày 28.4.2017. Bài báo đưa ra nhiều số liệu để chứng minh một sự thật là đại đa số con người, nhất là ở các nước phát triển thường chết vì bệnh kinh niên, vì già yếu trong nhà dưỡng lão hoặc bệnh viện, trong vòng tay của y tá hoặc điều dưỡng viên, mà theo bài báo là sự kết thúc cuộc đời khá tẻ nhạt. Tuy vậy, có thể có một kết thúc đẹp hơn, một cái chết đẹp hơn đó là tặng lại sự sống ngay cả sau khi đã chết. Một người hiến tạng có thể cứu được tối đa 8 người và hiến mô cứu được đến 50 người. Như vậy, một cá nhân có thể cứu được 50 cá nhân khác. Đó là một công quả vô cùng lớn mà bất cứ ai cũng có thể làm được sau khi kết thúc cuộc đời mình. “Chết đẹp nghĩa là sống đẹp, đẹp đến giây phút cuối cùng”.
BÙI TRỌNG KỲ Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ tỉnh Ninh Bình