Sở VHTTDL Bắc Giang trốn trách nhiệm?
VH- Xung quanh việc xây dựng một số hạng mục trong khuôn viên di tích chùa Bổ Đà (xã Tiên Sơn, huyện Việt Yên), Giám đốc Sở VHTTDL Bắc Giang, ông Trần Minh Hà vừa ký văn bản số 57/BC-SVHTTDL báo cáo Bộ VHTTDL.
Điều đáng nói và cần thiết phải đặt câu hỏi là, vì sao trong báo cáo chưa đầy hai trang này, Sở VHTTDL mà cụ thể là ông Trần Minh Hà đã không có một từ ngữ nào đề cập đến nhận trách nhiệm của mình với tư cách là người đứng đầu cơ quan quản lý nhà nước về mặt di sản văn hóa trên địa bàn trước những sai phạm trong công tác tu bổ, tôn tạo và xây dựng tại di tích quốc gia đặc biệt chùa Bổ Đà?
Không những không nhận trách nhiệm dù nhỏ nhất, Sở đã đẩy “quả bóng” đó sang UBND huyện Việt Yên và Ban quản lý di tích chùa Bổ Đà. Chưa dừng lại ở đó, Sở VHTTDL Bắc Giang còn báo cáo chưa chính xác, đầy đủ về sai phạm trong quá trình xây dựng Tam quan chùa Bổ Đà: “Chủ đầu tư đã xây dựng Tam quan chùa Bổ Đà rộng hơn về quy mô mặt bằng kiến trúc”. Xin hỏi, cần phải hiểu như thế nào cho đúng: “rộng hơn về quy mô mặt bằng kiến trúc”?
Trong khi Bộ chỉ thỏa thuận cho phép xây dựng Tam quan với quy mô 3 gian 2 chái thì trên thực địa đã là 5 gian hai chái. Một vấn đề quan trọng khác cũng chưa được Sở đặt ra hoặc cố tình lờ đi, đấy là trước những sai phạm rõ như ban ngày thì hướng xử lý như thế nào, giải pháp ra sao để thực hiện đúng tinh thần văn bản thỏa thuận của Bộ thì cũng không hề được nói tới. Mà nếu có thì cũng hết sức chung chung kiểu như “để có hướng xử lý phù hợp”.
Không cần phải liệt kê từ nhiều năm trước mà chỉ tính riêng trong 3 năm trở lại đây, Bộ VHTTDL đã ban hành nhiều Chỉ thị, công văn về việc tăng cường quản lý hoạt động bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích lịch sử-văn hóa, danh lam thắng cảnh gửi UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Sở VHTTDL, Sở VHTT các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Và mới đây nhất, ngày 23.3, Thứ trưởng Đặng Thị Bích Liên đã ký thêm một văn bản về vấn đề này. Chưa hết, dường như năm nào Bộ cũng tổ chức Hội nghị tập huấn về công tác quản lý, phát huy giá trị di sản văn hóa trên toàn quốc có sự tham dự của lãnh đạo các Sở, phòng thuộc ngành VHTTDL. Thế nhưng vì sao những vụ việc xâm phạm nghiêm trọng di sản văn hóa vẫn diễn ra? Không ai khác, câu hỏi này chỉ có Sở VHTTDL Bắc Giang mới có thể trả lời một cách đầy đủ và thỏa đáng.
Và nếu Sở VHTTDL Bắc Giang có lỡ quên thì người viết tiện thể xin nhắc lại ở đây một văn bản do chính UBND tỉnh Bắc Giang ban hành cách đây gần 4 năm, đó là Chỉ thị về việc tăng cường các biện pháp quản lý di tích và các hoạt động bảo quản, tu bổ phục hồi di tích. Trong văn bản quan trọng này của UBND tỉnh, Sở VHTTDL Bắc Giang là cơ quan phải “đứng mũi chịu sào” trước việc quản lý di tích trên địa bàn.
Nguyễn Hòa