Scandal nghệ sĩ ở nước ngoài: Bài học về văn hóa và pháp luật

VHO- Gần đây, chúng ta thấy ngày càng nhiều người Việt vi phạm pháp luật ở nước ngoài. Bộ Công an cho biết đã tiếp nhận hơn 25.000 người Việt vi phạm pháp luật ở nước ngoài bị trục xuất kể từ năm 2018. Việc vi phạm pháp luật này còn đáng lưu ý hơn đối với những nghệ sĩ, người nổi tiếng khi họ chính là người của công chúng, được công chúng yêu thương, theo dõi, ảnh hưởng rất nhiều đến thị hiếu, lối sống của công chúng và là tấm gương để công chúng noi theo.

 Đây là những sự việc khiến chúng ta thực sự phải có những suy nghĩ nghiêm túc về việc giáo dục luật pháp và đặc biệt là cách thích nghi văn hóa địa phương với người Việt đi lao động và du lịch ở nước ngoài, để tránh tình trạng “con sâu bỏ rầu nồi canh”, ảnh hưởng đến hình ảnh, uy tín đất nước, con người Việt Nam từ những vụ việc rất buồn này.

Tôi rất thích một câu ai đó nói rằng, “luật pháp là đạo đức tối thiểu, còn đạo đức là pháp luật tối đa”. Điều đầu tiên chúng ta nhất thiết phải tuân thủ chính là các quy định của pháp luật. Dù trong nước hay ở nước ngoài, đây chắc chắn là nguyên tắc cơ bản để chúng ta thực hiện các hoạt động sống của mình. Tôn trọng pháp luật là tôn trọng những giá trị, quy ước được mọi người cùng nhau thống nhất và đề cao. Điều đó tạo ra sự ổn định và tạo điều kiện cho xã hội phát triển. Dù vậy, pháp luật ở các quốc gia khác nhau cũng có sự khác biệt. Sự khác biệt này được hình thành từ văn hóa của chính quốc gia đó. Đó là lý do tại sao chúng ta không thể áp dụng y nguyên một bộ luật của nước này cho nước khác, và đó cũng là lý do tại sao, văn hóa (trong đó có những giá trị đạo đức) có ý nghĩa đối với việc thực thi pháp luật.

Trở lại với việc vi phạm pháp luật của các nghệ sĩ, tôi nghĩ rằng, khó có một lý do nào có thể biện hộ cho những hành động của họ. Hình ảnh, uy tín và cả sự nghiệp của các nghệ sĩ chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi những sự cố này. Tuy nhiên, những bài học kinh nghiệm là những gì chúng ta cần học hỏi sau mỗi sai lầm ấy. Rõ ràng, bên cạnh rất nhiều lý do khác nhau, việc nghệ sĩ không hiểu pháp luật, và đặc biệt là văn hóa ở nước sở tại là một trong những nguyên nhân chủ yếu để khiến họ gặp rắc rối. Mỗi quốc gia có một luật pháp riêng phù hợp với văn hóa đất nước họ. Do văn hóa không chỉ là lối sống, thói quen hằng ngày mà còn là giá trị rất khó có thể hiểu tường tận, nên việc chúng ta tiếp xúc với những bộ phim, câu chuyện hay kể cả một khoảng thời gian nhất định bạn trải nghiệm trực tiếp, không giúp chúng ta chắc chắn ứng xử hoàn toàn đúng chuẩn mực và luật pháp của nước sở tại, trong một môi trường xã hội mới. Những hành động có thể rất bình thường ở Việt Nam, thậm chí còn có ý nghĩa tích cực ở một khía cạnh nào đó, như dạy con nghiêm khắc bằng cách “yêu cho roi cho vọt” thì có thể là vi phạm pháp luật ở một quốc gia khác. Với nhiều quốc gia, khi quyền tự do cá nhân được đề cao, thì bất kỳ một hành động nào vi phạm vào quyền cá nhân ấy khi không được sự đồng ý sẽ là vi phạm pháp luật. Sự thể hiện bề ngoài không hoàn toàn phản ánh giá trị bên trong. Điều đó có nghĩa rằng, hiểu biết văn hóa địa phương giúp cho chúng ta có cách tiếp cận với luật pháp của quốc gia đó một cách vững chắc hơn.

Nói như vậy không đồng nghĩa với việc chúng ta bao che cho những hành động phạm pháp. Tất cả mọi người dân đều phải thượng tôn pháp luật. Để thực hiện tốt điều đó, mỗi nghệ sĩ cần chuẩn bị cho mình một hành trang kỹ lưỡng về văn hóa địa phương, biết cách “nhập gia tùy tục”, ở đó những giá trị đạo đức phải được xem là hệ điều tiết cho hành vi cá nhân. Làm được như thế, nghệ sĩ không chỉ giúp cho cá nhân mình giữ gìn được hình ảnh, uy tín - những điều cực kỳ quan trọng đối với sự nghiệp của mỗi nghệ sĩ mà còn góp phần giữ gìn hình ảnh, uy tín, giúp tỏa sáng những giá trị văn hóa của đất nước. 

 PGS.TS BÙI HOÀI SƠN

Ý kiến bạn đọc