Sao lại phản đối chương trình ý nghĩa?

VH- Liên quan đến việc triển khai chương trình sữa học đường ở TP Hà Nội nhiều ý kiến tranh luận trái chiều, thậm chí phản đối.

Tuy nhiên, đa số đều cho rằng sữa học đường là chương trình nhân văn, góp phần quan trọng trong việc cải thiện giống nòi, thể chất của người Việt Nam nếu việc tổ chức được thực hiện thông qua đấu thầu công khai, minh bạch, nhất là ngăn chặn được tình trạng “bắt tay ngầm” để trục lợi của các bên.

 Chúng tôi rất đồng tình với việc triển khai chương trình sữa học đường này. Đây là chương trình có ý nghĩa nhân văn rất lớn, cần thiết triển khai không chỉ ở một vài địa phương như hiện nay mà nên nhân rộng ra phạm vi toàn quốc. Bởi lẽ, sữa rất cần thiết cho cơ thể con người, nhất là trẻ em. Sữa bổ sung một số vi lượng, khoáng chất nhằm cải thiện chiều cao, cân nặng và tăng cường sức khỏe, đề kháng cũng như cải thiện trí tuệ, trí lực... Do đó, việc một số ý kiến phản đối, từ chối không tham gia, thậm chí cản trở việc triển khai chương trình sữa học đường là bất hợp lý.

Nguyên nhân một số phụ huynh học sinh phản đối hoặc có ý kiến trái chiều chủ yếu là do lo ngại sữa không đảm bảo chất lượng, không đạt tiêu chuẩn... Tuy nhiên, sâu xa có thể họ cho rằng định mức như vậy không đạt yêu cầu, tiêu chuẩn đối với con cái họ!

Phải khẳng định rằng đây là chương trình phổ cập theo mặt bằng chung, đáp ứng ở mức tối thiểu cho trẻ em phát triển lành mạnh về thể chất, tinh thần. Vì vậy, việc đòi hỏi quá mức tối thiểu trong khi điều kiện ngân sách khó khăn là quá đáng, vô lý, ích kỷ. Chúng ta nên biết rằng nhiều nơi trên đất nước ta học sinh đến trường cơm không đủ no, thiếu áo quần, sách vở, đồ dùng học tập. Do đó, những địa phương có điều kiện đã được chính quyền, doanh nghiệp chung tay lo cho trẻ em được như vậy đã là quá tốt cần trân trọng.

Vấn đề quan trọng nhất là kiểm soát chất lượng sữa, thực hiện đấu thầu công khai để tránh việc bắt tay trục lợi từ chương trình sữa học đường. Theo đó, vấn đề cần quan tâm là làm thế nào giám sát chất lượng sữa cung cấp cho học sinh, đảm bảo về hạn sử dụng cũng như chất lượng sữa... chứ không nên bàn lùi theo kiểu triển khai hay không triển khai.

Theo chúng tôi, không chỉ ở Hà Nội và một số địa phương mà cơ quan chức năng cần sớm triển khai nhân rộng mô hình sữa học đường ra cả nước để học sinh mẫu giáo, tiểu học ở các địa phương đều có cơ hội tham gia chương trình này nhằm phát triển thể chất, trí tuệ để có tương lai tươi sáng hơn.

ThS PHẠM VĂN CHUNG

Ý kiến bạn đọc