Phải ngăn từ gốc

VHO- Theo báo cáo nhanh từ Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế), chỉ trong 6 ngày Tết (từ 29 tháng Chạp đến mùng 5 tháng Giêng), cả nước đã có hơn 2.800 ca cấp cứu do đánh nhau (chiếm 2% trong tổng số ca cấp cứu của các bệnh viện). Tình trạng bạo lực gia tăng trong những ngày Tết làm ảnh hưởng đến an ninh trật tự, gây thương tật cho nhiều người, là gánh nặng muộn phiền cho gia đình và xã hội. Và từ con số thống kê này (chắc là chưa đầy đủ), cơ quan chức năng, các cấp chính quyền cần phải vào cuộc phân tích, đánh giá để từ đó đề ra những giải pháp ngăn chặn, chứ đừng để con số vẫn chỉ là con số.

Phải ngăn từ gốc - Anh 1

Ảnh minh họa

 Nguyên nhân của tình trạng đánh nhau thì có nhiều nhưng trực tiếp nhất là do lạm dụng rượu, bia thiếu kiểm soát trong những ngày Tết. Ai cũng biết “rượu vào lời ra” nên thường xảy ra cự cãi, thách đố, không ai chịu ai và cuối cùng sử dụng nắm đấm để giải quyết mâu thuẫn. Ngoài ra, vấn nạn sử dụng ma túy, nhất là ma túy đá ngày càng phổ biến của giới trẻ cũng là nguyên nhân gây nên tình trạng hung hãn, côn đồ, ẩu đả...

Ngoài những lý do trên, hành vi côn đồ, đánh nhau gia tăng cũng xuất phát từ môi trường sống bạo lực, như: Các thành viên trong gia đình hoặc xóm làng thường xuyên cự cãi, đánh nhau nên ít nhiều tác động đến nhân cách và xu hướng bạo lực của giới trẻ; tình trạng “nghiện” game bạo lực, xem phim ảnh, truyện tranh thiếu lành mạnh cũng là nguyên nhân dẫn đến xu hướng bạo lực, nhiều vụ việc mâu thuẫn nhỏ nhưng các em lại không biết xử lý như thế nào nên chọn đánh nhau là cách giải quyết duy nhất.

Bên cạnh đó, các băng nhóm tội phạm, “xã hội đen” ngày càng gia tăng các hoạt động bao kê, cho vay nặng lãi, tổ chức cờ bạc, ma túy, mại dâm, cưỡng đoạt tài sản...; chúng hoạt động tinh vi, liều lĩnh, thường sử dụng hung khí, vũ khí “nóng” để thanh toán, giải quyết tranh chấp, mâu thuẫn nên mức độ thương vong rất cao. Mặt khác, một bộ phận giới trẻ hiện nay thiếu văn hóa ứng xử, không có kỹ năng xử lý tình huống. Nhiều vụ việc xích mích, va chạm nhỏ nhưng lại đẩy lên thành xung đột, bạo lực. Điều này cho thấy, nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của một bộ phận giới trẻ chưa cao; có thể các em chưa có cơ hội để tiếp cận với pháp luật, chưa đủ khả năng để nhận thức hành vi nguy hiểm cho xã hội của mình.

Để hạn chế hành vi côn đồ, bạo lực cần đẩy mạnh việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật để nâng cao nhận thức; tăng cường giáo dục đạo đức, nhân cách cho giới trẻ, nhất là văn hóa ứng xử và cách thức, kỹ năng giải quyết mâu thuẫn, bất đồng. Lực lượng chức năng thường xuyên ra quân truy quét và xóa sổ các băng nhóm tội phạm hoạt động phi pháp; thường xuyên tuần tra, kiểm soát để ngăn chặn và xử lý nghiêm các vụ ẩu đả, đánh nhau; đồng thời, công khai việc xử lý để giáo dục, răn đe và ngăn ngừa hành vi vi phạm. Có như vậy, mới có thể hạn chế tình trạng côn đồ lộng hành đang có chiều hướng gia tăng như hiện nay. 

Đ VĂN NHÂN

Ý kiến bạn đọc