Ô tô bị đè bẹp: Đơn vị quản lý cây xanh phải bồi thường?

VH- ​Vừa qua, hàng loạt xe ô tô đỗ trên phố ở Hà Nội, TP.HCM bị cây xanh gãy đổ đè lên gây thiệt hại, hư hỏng nặng. Vấn đề đặt ra là ai sẽ chịu trách nhiệm về những thiệt hại do cây xanh đổ ngã gây hư hỏng xe cộ, tài sản người dân ở trên đường.

Nhiều chuyên gia pháp lý khi phân tích tình huống trên, chia ra 2 trường hợp, có thể tóm tắt như sau: Đối với trường hợp bất khả kháng như mưa, gió lớn bất ngờ mà làm đổ cây gây hư hỏng xe cộ đỗ thì người dân phải chịu; đối với trường hợp có thiên tai, không có sự kiện bất khả kháng nhưng cây xanh tự ngã đổ gây ra thiệt hại thì đơn vị quản lý, chăm sóc cây xanh phải bồi thường. Đây là nguyên tắc cơ bản của pháp luật hiện hành, đã được cụ thể hóa tại khoản 2 và 3 Điều 584 Bộ luật Dân sự 2015.

Tuy nhiên, theo quan điểm cá nhân tôi, trong mọi trường hợp đơn vị quản lý, chăm sóc cây xanh đều phải có trách nhiệm bồi thường, mặc dù có thể là trực tiếp hay liên đới. Điều này có thể thực hiện được nếu áp dụng nguyên tắc “trách nhiệm tuyệt đối”.

Về lý thuyết, nguyên tắc này chưa được luật hóa, chưa được cụ thể nhưng trong thực tế đã được áp dụng khá rộng rãi, phổ biến. Đó là trong quan hệ hành chính, quản lý, điều hành... khi nhiều văn bản pháp luật đã quy định “trách nhiệm của người đứng đầu”. Theo đó, người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng, vi phạm pháp luật trong cơ quan, đơn vị do mình quản lý, lãnh đạo, dù không tham gia, không biết hành vi tham nhũng của cấp dưới cũng phải chịu trách nhiệm liên đới.

Trong lĩnh vực tư nhân thì nguyên tắc này càng thông dụng, đó chính là nguyên tắc “hiệu quả kinh doanh”. Trong mọi trường hợp, nếu kết quả kinh doanh không đạt kế hoạch đề ra thì người quản lý, điều hành phải chịu trách nhiệm toàn bộ!

Trở lại vấn đề về ô tô hư hỏng thì trách nhiệm của đơn vị quản lý, chăm sóc cây xanh thể hiện ở chỗ: Nếu đơn vị này làm tốt công việc của mình như trước mỗi mùa mưa bão phải khảo sát, thống kê, xem xét tình trạng của cây xanh do mình quản lý. Trường hợp có nguy cơ đổ gãy thì phải chặt tỉa cành, loại bỏ các cây già cỗi, mục ruỗng để phòng ngừa gãy đổ có thể gây nguy hiểm cho người đi đường và gây thiệt hại tài sản. Như vậy, trường hợp bất khả kháng sẽ bị loại trừ hoặc ít khi xảy ra, nếu có thì thiệt hại không lớn. Điều này vừa nâng cao trách nhiệm của đơn vị quản lý cây xanh, vừa góp phần bảo vệ tốt hơn tính mạng, tài sản của người dân.

Ngược lại, trong trường hợp bình thường, không có sự kiện bất khả kháng mà cây tự ngã đổ gây hư hỏng tài sản của người dân thì đương nhiên đơn vị quản lý cây xanh phải hoàn toàn chịu trách nhiệm bồi thường. Đây là trách nhiệm trực tiếp vì lỗi là do đơn vị này không làm tốt việc quản lý, chăm sóc cây xanh để cây gây ra thiệt hại.

Vì vậy, có thể khẳng định trong mọi trường hợp xe ô tô, tài sản người dân bị thiệt hại do cây xanh đường phố gây ra, đơn vị quản lý, chăm sóc cây xanh phải đều chịu trách nhiệm tùy theo với mức độ khác nhau, trực tiếp hay liên đới.

Vậy, liệu có làm khó các đơn vị quản lý, chăm sóc cây xanh và họ phải làm gì để bảo vệ mình? Theo tôi, vấn đề này không khó. Các đơn vị này nên đánh dấu những điểm nguy hiểm, cây xanh có thể gãy đổ để phòng ngừa, cảnh báo từ trước. Khi đó nếu ô tô vẫn cố tình đậu, đỗ vào những điểm này thì chủ sở hữu ô tô phải tự chịu trách nhiệm, đơn vị quản lý cây xanh được miễn trừ. Bên cạnh đó, đơn vị quản lý cây xanh có thể yêu cầu chủ sở hữu ô tô phải mua bảo hiểm nếu muốn đậu, đỗ ở những nơi có thể gây nguy hiểm. Việc này có thể dễ dàng triển khai nếu việc thu phí chỗ đỗ xe ở khu vực đô thị, nội thành được triển khai, đặc biệt ở các thành phố lớn như ở TP.HCM, Hà Nội...

Ngoài ra, cũng cần phải nói thêm rằng khi thực hiện trách nhiệm bồi thường phải ưu tiên theo hướng bồi thường thiệt hại trong hợp đồng trước. Nghĩa là xe ô tô, tài sản nếu đã mua bảo hiểm thì đơn vị bảo hiểm phải bồi thường theo thỏa thuận ghi trong hợp đồng bảo hiểm. Sau đó mới tính đến phương án bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng, khi đó là trách nhiệm bồi thường của đơn vị quản lý, chăm sóc cây xanh.

ThS PHẠM VĂN CHUNG

Ý kiến bạn đọc