Ở đây có vấn đề
VHO- Cách đây 12 năm, năm 2007, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 129/2007/QĐ-TTg về quy chế văn hóa công sở tại các cơ quan hành chính Nhà nước. Năm 2017, Bộ VHTTDL ban hành bộ quy tắc ứng xử văn minh du lịch. Cũng trong năm này, UBND thành phố Hà Nội ban hành Quyết định số 1665/ QĐ-UBND về quy tắc ứng xử nơi công cộng
Gần đây hơn, Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành 2 quyết định số 1299/QĐ-TTg ngày 3 tháng 10 năm 2018 về xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học giai đoạn 2018-2025 và quyết định số 1847/QĐ-TTg ngày 27 tháng 12 năm 2018 về đề án văn hóa công vụ.
Tạm dẫn ra những quy định như vậy để thấy rằng, ý thức và những chuẩn mực trong văn hóa ứng xử đã được quy định cụ thể, thế nhưng qua một số vụ việcgần đây có thể thấy các quy định ấy dường như chưa đến được với người dân.
Có thể kết luận: Khâu truyền thông có vấn đề. Ở đây, tất cả các nhà báo, những người làm truyền thông đều biết đến các mô hình truyền thông nên tôi xin phép được bỏ qua lý thuyết đó. Khái quát lại là: Thứ nhất, lỗi tại thông điệp không rõ ràng, không dễ hiểu; thứ hai, kênh truyền thông điệp là các cơ quan báo chí chưa làm hết trách nhiệm; thứ ba, có quá nhiều nhiễu ngoài xã hội khiến cho thông điệp không đến được người nhận (là người dân). Và vì vậy, giải pháp cho việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân ở đây là tập trung tạo ra những thông điệp ngắn gọn, rõ ràng, dễ hiểu, tạo ra những kênh truyền thông hấp dẫn, xây dựng những chương trình giải trí thu hút sự quan tâm của người dân đối với những vấn đề liên quan đến ứng xử trong gia đình, nhà trường, ngoài xã hội, nơi công sở, địa điểm công cộng và khi đi du lịch…
Nếu họ hiểu nhưng vẫn vi phạm thì có thể do 2 lý do: Thứ nhất là không có quy định rõ ràng, không có chế tài cụ thể; thứ hai là quy định rõ ràng,chế tài cụ thểnhưng mọi người đều vi phạm nên họ sẽ cứ vi phạm.
Thực tế, chúng ta không thiếu các quy định. Vấn đề chỉ là các quy định này chưa/không đi vào thực tiễn cuộc sống mà thôi. Có lần, cách đây 18 năm, tôi đã được đọc trong một cuốn sách nước ngoài viết: Vietnam is a paradise of master plans (tạm dịch Việt Nam là thiên đường của các chiến lược). Tôi thấy đúng. Chúng ta có rất nhiều chiến lược, quy hoạch, quy định, thậm chí luật pháp cũng tương đối đầy đủ. Tất cả, ở một mức độ nào đó rất tốt (như Luật Sở hữu trí tuệ của chúng ta chẳng hạn), vấn đề chỉ là chúng ta không muốn, không thích thực hiện mà thôi! Vấn đề của Việt Nam chúng ta là khâu thực thi các văn bản quy phạm pháp luật (chứ không hẳn là do thiếu luật, thiếu các quy định). Khi khâu thực thi kém, các quy định bị nhờn (hay người ta hay nói là nhờn luật). Khi mọi người biết có luật mà không thực thi pháp luật, xã hội sẽ rối loạn!
Nói tóm lại, tuyên truyền và thực thi các quy định là hai vấn đề nổi cộm nhất trong việc thực thi các quy tắc ứng xử. Chúng ta cần có sự phối hợp chặt chẽ hơn giữa các cơ quan truyền thông và các tổ chức xã hội, trong đó có Bộ VHTTDL trong việc thực thi các quy tắc ứng xử. Một hình thức tuyên truyền qua hình thức xử lý nghiêm, sự nêu gương làm mẫu của chính cơ quan văn hóa sẽ có tác động lan tỏa đến toàn xã hội trong việc xây dựng hành vi ứng xử của con người.
BÙI HOÀI SƠN