Nói mãi mà môn Lịch sử... vẫn thế

VHO- Kỳ thi THPT Quốc gia 2019 vừa qua, có gần 570.000 thí sinh đăng ký làm bài thi môn Lịch sử, thuộc tổ hợp Khoa học xã hội. Điểm trung bình của môn Lịch sử là 4,3 điểm; 70% thí sinh đạt điểm dưới trung bình; gần 400 thí sinh bị điểm liệt, tức điểm từ 1 trở xuống.

Nói mãi mà môn Lịch sử... vẫn thế - Anh 1

Lịch sử là môn có điểm thi trung bình thấp nhất trong các môn thi. Đây thực trạng đáng buồn cho công tác giáo dục môn Lịch sử, nếu không có giải pháp cụ thể, thì thế hệ sau sẽ không kế thừa, không biết đến lịch sử nước nhà, dẫn đến thiếu ý thức trong việc phát huy truyền thống của ông cha ta trong việc xây dựng và bảo vệ đất nước.

 Hiện nay, xu hướng du nhập các loại phim ảnh nước ngoài đã chiếm phần lớn thời lượng phát sóng trên truyền hình, đặc biệt là thể loại phim lịch sử Trung quốc, Hàn quốc… có nhiều tình tiết hay, hấp dẫn luôn lôi cuốn khán giả Việt Nam. Bên cạnh đó, việc du nhập các thể loại truyện tranh có yếu tố nước ngoài ngày càng nhiều thu hút đông đảo giới trẻ, còn các thể loại truyện lịch sử Việt Nam xuất bản phục vụ học sinh, sinh viên còn rất hạn chế hoặc tuy có nhưng vẫn không đủ sức lôi cuốn, hấp dẫn người đọc. Mặt khác, nước ta vẫn chưa đẩy mạnh đầu tư sản xuất phim lịch sử Việt Nam qua các thời kỳ để phát sóng, phục vụ cho mục đích giáo dục truyền thống, đạo đức và lòng tự hào dân tộc trong quá trình dựng nước và giữ nước của thế hệ ông cha ta từ xưa đến nay. Đây là một trong những lý do dẫn đến việc thiếu kiến thức lịch sử của thế hệ trẻ ngày nay.

Công tác giáo dục môn Lịch sử trong nhà trường hiện nay có còn nhiều bất cập thể hiện qua số lượng học sinh học giỏi môn Sử ngày càng ít, với quan niệm cho rằng việc học giỏi môn Sử không có tương lai... Vì vậy, nhiều học sinh thường chọn các môn như Toán, Lý, Hóa… và xem các môn Văn, Sử, Địa chỉ là môn phụ, bởi vì đa số các em cho rằng việc học môn Sử khi ra trường sẽ thất nghiệp hoặc có việc làm nhưng thu nhập sẽ thấp. Việc không coi trọng học môn Lịch sử không chỉ từ phía phụ huynh, học sinh mà kể cả giáo viên dạy môn Sử như biết các em học rất kém môn Sử, không đủ kiến thức, điều kiện để thi tốt nghiệp nhưng vẫn châm chước, bỏ qua cho các em. Bên cạnh đó, giáo viên dạy các môn Toán, Lý, Hóa thường có thu nhập cao hơn với các giáo viên dạy môn Lịch sử nên một số trường học hiện nay đang thiếu giáo viên giảng dạy môn này.

Để khắc phục tình trạng trên cần phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức trong việc dạy và học môn Sử; xây dựng ý thức của học sinh không được xem nhẹ bất cứ môn học nào từ lớp 1 đến lớp 12 trong nhà trường, có giải pháp để nâng cao thu nhập của các giáo viên dạy môn Lịch sử; đẩy mạnh về giáo dục truyền thống lịch sử thông qua nhiều thể loại đa dạng, phong phú như phim, ảnh, truyện tranh, pa nô, áp phích... Có như vậy, mới góp phần nâng cao ý thức gìn giữ truyền thống dân tộc cho thế hệ trẻ.

ĐỖ VĂN NHÂN

Ý kiến bạn đọc