Nhìn thấy rõ sự “lãng phí văn hóa”
VH- Những ngày gần đây nghị trường lại nóng lên về chuyện sách giáo khoa bởi sự lãng phí tiền bạc khủng không thể không tính đến. Mỗi nhà vài ba trăm ngàn vì việc học của con em mình nên dù giàu hay nghèo ai cũng cố gắng chu cấp cho đủ và đôi khi không tính đếm đến nó.
Tuy nhiên, khi tính tổng số tiền xã hội bỏ ra hằng năm thì không khỏi giật mình với con số không hề nhỏ: hàng ngàn tỉ đồng. Cách đây gần hai chục năm, có đại biểu của dân đã từng lấy một cuốn sách lớp 1 có giá 9 ngàn đồng làm phép nhân với 1,7 triệu học sinh lớp 1 để ra con số giật mình gần 15 tỉ đồng cho một cuốn sách, và chua chát đặt câu hỏi:
Có cần hội đồng định giá sách giáo khoa và kiểm soát dòng tiền đó không? Đến hôm nay, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội yêu cầu Bộ GD&ĐT phải làm rõ về việc sách giáo khoa không thể sử dụng lại.
Hầu hết những người quan tâm đến lĩnh vực này đều có chung một nhận định: Lãng phí!
Lãng phí tiền bạc đã là gớm, “lãng phí văn hóa” có lẽ còn khiếp hơn. Văn hóa và thời luận nhìn thấy sự “lãng phí văn hóa” trong việc không thể dùng lại sách giáo khoa! Bởi vì đã không dùng lại được thì đành vứt bỏ. Vứt bỏ với cả nghĩa đen và nghĩa rộng của từ này. “Sách thầy, trả thầy” là điều quở trách những học sinh học hành không ra gì. Sách học xong không “trả thầy” được mà phải bỏ, phải vứt đi thì lỗi không thuộc học sinh mà là lỗi của người lớn làm ra sách không tính đến yếu tố văn hóa của sự dùng sách.
Những thứ chỉ dùng được một lần thường rất rẻ và ít được trân trọng. Ví như cốc bằng giấy, thìa nhỏ bằng nhựa để ăn sữa chua… đến người bán cũng không cần đếm kỹ. Sách giáo khoa không phải thứ rẻ như thế. Nó phải được trân trọng bởi giá trị nhân văn trong đó. Bao tâm huyết của những bậc thầy mới viết ra được những cuốn sách như sách giáo khoa. Nhất là đối với trẻ nhỏ, sách như người thầy mở ra chân trời mới cho các em. Các bậc phụ huynh, các cán bộ trong ngành giáo dục nhắc lại việc giữ gìn sách cẩn thận ra sao, bọc bìa và không vẽ, viết linh tinh vào sách… để có thể truyền cho em mình, cho những lớp trẻ sau dùng như là niềm hạnh phúc, niềm vui chân chính của những người yêu quý sách.
Vấn đề không phải chỉ là tiết kiệm tiền bạc, mà lớn hơn tiền bạc là truyền cho thế hệ sau một thông điệp văn hóa: Sách là quý giá; Sách là thầy, là bạn đồng hành suốt cuộc đời con người! Sách dùng một lần sẽ vô tình tập nhiễm một thói quen không tốt cho các em đối với sách ngay từ ngày đầu tới trường, cái môi trường không thể không có sách vở. Thói quen không tốt ấy có thể còn di hại mãi về sau mà làm suy giảm “văn hóa đọc” đang như hồi chuông đinh tai, nhức óc hiện nay đối với giới trẻ.
Chưa có ai làm cuộc điều tra, khảo sát cho kỹ lưỡng xem văn hóa đọc suy giảm có “góp phần” gia tăng những tội ác, tệ nạn xã hội hay không? Sự xuất hiện những tội ác chưa từng có như giết người, xẻ thây, giết người thân, ông, bà, cha mẹ, con ruột… có nguyên nhân từ sự ít đọc sách hay không? Nhưng sách là tri thức, là môi trường, là mảnh đất nuôi dưỡng tâm hồn con người thì xưa nay vẫn vậy. Bằng cách này hay cách khác, con người phải có sách (sách in hay sách điện tử… hay bằng bất kỳ công nghệ nào). Vô tình hay hữu ý, vứt sách là vứt văn hóa. Mà vứt văn hóa hệ lụy khôn lường ra sao thiết nghĩ không cần diễn giải dài dòng thêm nữa!
Giáo dục đang quá nhiều sự lùm xùm không đáng có. Sách giáo khoa làm vội, không cân nhắc kỹ, không chỉ lãng phí tiền bạc mà có thể còn châm ngòi cho sự lùm xùm bất lợi cho ngành giáo dục và cho toàn xã hội. Sự lên tiếng của các đại biểu Quốc hội cần được lắng nghe và thực hiện nghiêm cẩn bởi đó là ý chí và nguyện vọng của nhân dân!
TS NGUYỄN VIẾT CHỨC