Nghịch lý “yêu lịch sử nhưng sợ học sử”

VHO- Đó là câu nói của một nữ sinh trung học trong một clip được nhiều người chia sẻ. Câu nói này không phải phản ánh tâm trạng của số ít mà là của số nhiều học sinh phổ thông. Điều đó được minh họa bằng hình ảnh đã phát trên truyền hình: Học sinh ở một trường nọ đã ném các tờ đề cương ôn thi môn sử bay trắng xóa cả sân trường khi nghe thông báo môn sử không phải thi tốt nghiệp. Nhiều nhà nghiên cứu về giáo dục và các bậc phụ huynh đều nhìn ra nguyên nhân bao trùm là sự “quá tải đa chiều” của chương trình giáo dục nói chung và môn sử nói riêng.

Nghịch lý “yêu lịch sử nhưng sợ học sử” - Anh 1
  
Phải chăng ngành giáo dục dường như có sự vội vàng và tham lam? Cứ muốn trang bị cho học sinh thật nhanh, thật nhiều kiến thức lịch sử. Như cách mà dân gian gọi là “nhồi vịt”, chỉ cần nặng cân để bán chứ không phải để lớn. Nói cách khác là không cần quan tâm đến khả năng “tiêu hóa” kiến thức của từng lứa tuổi. 
Tình trạng quá tải được chứng minh cụ thể: Trong cuộc họp do cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt và Bộ trưởng Bộ Giáo dục làm việc với hai nhóm nghiên cứu. Một thành viên nhóm nghiên cứu cấp học phổ thông đã dẫn chứng từ đề cương ôn thi môn sử cho lớp 12 của một nữ sinh. Với đề thi: Trình bày diễn biến chiến dịch Điện Biên Phủ và ý nghĩa thời đại... kèm theo bản đồ Việt Nam được photo khổ giấy A4. Toàn những đường nét màu đen, không biết nét nào là đường, nét nào là sông, đâu là núi, đâu là ruộng... Người báo cáo cho rằng, với câu hỏi này, ngay cả một sĩ quan quân đội, nếu không được đào tạo bài bản về lý luận quân sự cũng không trình bày được một cách rõ ràng. Nên với một nữ sinh tuổi vị thành niên thì ngay cả việc học thuộc lòng đáp án mẫu của “đề đóng” cũng đã rất khó, thì làm sao đòi hỏi chúng phải hiểu các từ ngữ, khái niệm về chiến lược, chiến dịch, chiến thuật quân sự. Đó chính là sự quá tải về khả năng nhận thức lý luận quá cao so với lứa tuổi. 
Đối với đội ngũ giáo viên dạy môn lịch sử, có rất nhiều thầy cô cũng hiểu rằng các sự kiện lịch sử phải có hồn, có màu sắc, âm thanh thì học sinh mới nhớ và hiểu sâu, nếu chỉ là những sự kiện khô khan như một dòng tin tức thì giống như chỉ cho chúng nhìn thấy hay biết tên các loại trái cây mà không cho biết mầu sắc và hương vị của từng loại quả. Hiểu như vậy nhưng để làm được như thế thì lại không đủ thời gian để hoàn thành giáo trình đồ sộ với rất nhiều sự kiện và những từ ngữ chính trị quân sự, kinh tế, văn hóa xã hội... Và trên thực tế cũng có không ít thày cô dạy sử theo phương pháp “đọc chép” từ sách giáo khoa hay từ màn hình trình chiếu. Có thầy giảng rất lưu loát, một bài hàng chục năm vẫn như nhau, như phát ra từ một máy cassete. Có những cựu học sinh, sinh viên kể lại rằng, khi xin hỏi một câu thì bị mắng là: Sao hay hỏi thế, tự học đi... Và trong cuộc hội nghị của một hội sử học, một học sinh được mời tham dự đã dám nói thẳng: “Có những thầy không đủ trình độ để dạy chúng em...”. Câu nói đó không phải hoàn toàn vô cớ hay do thiếu tôn trọng mà thực tế có thầy khi sinh viên hỏi về câu thơ “ Bốn ngàn năm mà dân không chịu lớn...” của một cô giáo nào đó thì thầy từ chối bình luận vì không có chính kiến. Còn một thầy khác thì nói ngập ngừng “thấy cũng đúng”. Nếu còn có những người thầy như thế không đủ bản lĩnh tư duy sử học để hướng dẫn nhận thức cho sinh viên thì dù cho học trò rất “trọng đạo” cũng sẽ khó “tôn sư”. 

 TS NGUYỄN HỮU NGUYÊN 

Ý kiến bạn đọc