Nghệ sĩ và chuyện quảng cáo
VHO- Suốt một thời gian dài và gần đây thì mật độ xuất hiện ngày càng dày đặc, y như rằng cứ mở tivi lên, dù ở kênh đài nào, thời gian nào kể cả thời sự, đều thấy nhan nhản diễn viên trẻ hay nghệ sĩ “gạo cội”, từ trong Nam ra đến ngoài Bắc, hiển hiện trong chương trình quảng cáo “nghìn lẻ một” mặt hàng thuốc và thực phẩm chức năng. Thôi thì thượng vàng hạ cám, nào là “mỏi gối tê tay”, nào thì “chóng mặt”, nào thì mất ngủ kinh niên, rồi nữa là cả hát không nổi… phải dùng thuốc. Chính vì thế, có người đã xót xa mà cảm thán lên rằng, “dạo này nghệ sĩ của chúng ta ốm đau nhiều quá!”.
Thật ra, câu chuyện này không mới, bởi nó đã được dư luận báo chí “kê đơn bốc thuốc” từ lâu, chỉ ra những mặt hạn chế, tiêu cực khi sử dụng hình ảnh nghệ sĩ quảng cáo thuốc, thực phẩm chức năng chưa được cơ quan có thẩm quyền kiểm chứng, đánh giá và cấp giấy phép lưu hành. Đến khi cơ quan chức năng vào cuộc thì những “gương mặt thương hiệu” chỉ việc nói mỗi lời xin lỗi và gỡ bỏ hình ảnh là xong, còn hậu quả, hệ lụy, ảnh hưởng của nó như thế nào, tác động ra sao đến người tiêu dùng thì chả ai buồn đếm xỉa. Có người đã đưa ra thống kê một cách hài hước: Nghệ sĩ này, ông hoàng nọ, bà chúa kia… trong một ngày mà ủ dột "thông báo" qua quảng cáo trên truyền hình mắc đến bốn, năm loại bệnh và phải sử dụng cùng lúc tới bốn, năm loại thuốc, thực phẩm chức năng khác nhau. Bệnh tật đến thế thì thở còn khó, nói gì đóng phim? Tuy nhiên, “thần dược” mà họ đang cầm trên tay đã khiến cho “bách bệnh phải tiêu tán, vạn bệnh phải tiêu trừ”… Câu hỏi đặt ra là, liệu những sản phẩm đang được họ quảng cáo có công dụng kỳ diệu như họ nói hay không, và người tiêu dùng có nên tin tưởng để mua chúng hay không?
Trên thực tế luật không cấm các nghệ sĩ, diễn viên, người nổi tiếng tham gia quảng cáo các sản phẩm, dịch vụ, nhưng có được mấy người soi xét, tìm hiểu, cân nhắc kỹ càng để có thể tự tin nhận trách nhiệm về mình trước pháp luật khi tham gia vào các chương trình quảng cáo ấy? Và một lần nữa, việc nghệ sĩ tham gia quảng cáo nhiều sản phẩm trong đó có thuốc, thực phẩm chức năng lại được nhiều đại biểu Quốc hội khi vừa góp ý cho dự thảo Luật bảo vệ người tiêu dùng (sửa đổi) nêu ra như những dẫn chứng cho việc vì tin “idol” mà “tiền mất tật mang”. Trong quá trình thảo luận, nhiều đại biểu đã nhấn mạnh đến ý thức, trách nhiệm của nghệ sĩ trước cộng đồng, công chúng trong việc nhận lời tham gia quảng cáo, đồng thời cũng đề nghị cơ quan soạn thảo chú ý đến chế tài xử lý khi nghệ sĩ quảng cáo sai sự thật, kể cả công ty đứng ra thuê nghệ sĩ quảng cáo. Ai cũng biết khi tham gia quảng cáo sản phẩm, nghệ sĩ sẽ có một khoản thu nhập lớn thì tậu xe, dựng nhà, nhỏ là duy trì thanh sắc, nhằm phục vụ cho con đường làm nghệ thuật lâu dài. Tuy nhiên, không phải vì vậy mà họ quên đi trách nhiệm của mình trước cộng đồng, xã hội, đó là cùng chung tay bảo vệ người tiêu dùng, nói “không” với sản phẩm kém chất lượng, chưa được kiểm định, có nguy cơ phương hại đến sức khoẻ, tính mạng của người dân.
Suy cho cùng, chẳng có chế tài nào mạnh mẽ hơn sự tự trọng của bản thân mỗi nghệ sĩ. Nên nhớ rằng, khoảng cách giữa yêu và ghét là rất mong manh. Đừng nghĩ vị trí mình đang đứng là đỉnh cao vĩnh cửu để muốn làm gì cũng được. Công chúng đưa nghệ sĩ đến vinh quang thì cũng có thể hạ xuống không thương tiếc, nếu nghệ sĩ đó đi ngược lại với giá trị chân - thiện - mỹ mà sứ mệnh của họ phải đem lại cho xã hội, cho cộng đồng.
NGUYỄN THANH SƯƠNG