Ngành VHTTDL sẽ khởi sắc sau đại dịch
VHO- Trong khi nhiều nước trên thế giới đang tìm cách ứng phó với đại dịch Covid-19 và từng bước nới lỏng giãn cách xã hội thì Việt Nam đang trở thành một ví dụ tốt cho việc phòng, chống hiệu quả bệnh dịch nguy hiểm này. Lúc đại dịch xảy ra, lĩnh vực văn hoá đã chứng minh vai trò của mình trong việc lan toả kết nối sức mạnh của đất nước để vượt qua dịch bệnh.
Những giá trị văn hoá như tinh thần yêu nước, đoàn kết, chia sẻ đã giúp từng người dân, cộng đồng và cả dân tộc đi qua khó khăn một cách bình tĩnh và thành công hơn. Đó thực sự là một bài học về sức mạnh của văn hoá đối với phát triển bền vững đất nước!
Bây giờ lại tiếp tục là câu chuyện về văn hoá trở thành động lực cho sự phát triển đất nước. Trong khoa học thực chứng, người ta hay nói đến thuật ngữ Fact First, có nghĩa là sự kiện, sự thật, dữ liệu hay bằng chứng trước. Thế thì những bằng chứng trong tháng 5 cho phép chúng ta hy vọng về một sự hồi sinh mạnh mẽ của lĩnh vực văn hoá, thể thao và du lịch. Đối với văn hoá - nghệ thuật, đó là ví dụ của rất nhiều các nhà hát đã kéo khán giả trở lại với sân khấu. Một loạt các sự kiện kỷ niệm 130 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, sân khấu quay trở lại với các tác phẩm Bệnh sĩ, Cướp biển, Mặt trời phương Đông, Thân phận nàng Kiều, Chuyện tình Khâu Vai, Hồ Thiên Nga, hay bộ phim Truyền thuyết Quán Tiên... thu hút hàng vạn khán giả, đã làm sôi động hơn đời sống văn hoá - nghệ thuật của đất nước.
Đối với lĩnh vực thể thao, các sân cỏ cả nước đã trở lại với rất đông khán giả đến cổ vũ các đội bóng như sân Cẩm Phả nơi diễn ra trận đấu giữa Than Quảng Ninh và Dược Nam Hà Nam Định đón lượng khán giả tới 10.000 người, trận đấu giữa An Giang và Viettel cũng có lượng khán giả đông tới 9.000 người... 18 trận đấu của giải Bóng đá Cúp quốc gia đã thu hút 78.700 khán giả tới xem và cổ vũ. Điều này càng có ý nghĩa hơn khi Việt Nam là nước đầu tiên mở cửa trở lại các hoạt động thể thao và cho phép khán giả đến sân, trong khi các giải bóng đá hàng đầu thế giới như Ngoại hạng Anh, Tây Ban Nha, Italia còn đang chờ ngày trở lại, giải Đức thì thi đấu không có khán giả.
Đối với lĩnh vực du lịch, ngày 24.5.2020, trong chuyến đi công tác tới Quảng Ninh, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tuyên bố khởi động lại thị trường du lịch nội địa. Hưởng ứng lời kêu gọi của Thủ tướng, Bộ VHTTDL cùng các địa phương tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo xúc tiến du lịch, và kết quả là nhiều điểm đã đạt được số lượng khách gần bằng so với khi chưa có dịch như Vịnh Hạ Long (Quảng Ninh): 131.201 lượt khách, Quần thể Tràng An (Ninh Bình): 76.390 lượt khách, Phong Nha - Kẻ Bàng (Quảng Bình): 28.050 lượt khách; Quần thể Cố đô Huế (Thừa Thiên Huế): 22.900 lượt khách...
Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres đã cảnh báo về dịch bệnh Covid-19 gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe tâm thần của xã hội. Nhiều quốc gia đang nỗ lực dùng mọi biện pháp để giúp người dân vượt qua áp lực tinh thần để quay trở lại với cuộc sống bình thường. Trong những giai đoạn khó khăn, yếu tố tinh thần đóng vai trò quan trọng trong việc vực dậy niềm tin vào chiến thắng. Việc các hoạt động văn hoá, thể thao và du lịch hồi sinh, bắt nhịp trở lại sau dịch bệnh không chỉ có ý nghĩa đối với bản thân các lĩnh vực này mà nó còn có ý nghĩa hơn trong việc chứng minh nỗ lực thành công của Đảng và Nhà nước đối với công tác phòng, chống dịch Covid-19, từ đó tạo thêm niềm tin, động lực tinh thần cho toàn thể nhân dân, chứng minh sức mạnh Việt Nam với cộng đồng quốc tế.
PGS.TS BÙI HOÀI SƠN