Ngán ngẩm với cảnh giật đồ cúng “cô hồn”
VH- Hình ảnh đám đông già có, trẻ có, phụ nữ có, thanh niên có đứng quanh mâm cỗ cúng “cô hồn” chỉ chờ chủ lễ thắp nhang lên là lao vào... giật.
Mới nhất là vụ vì canh mâm cúng cô hồn mà một thiếu niên 15 tuổi ở TP.HCM bị những kẻ đi giật đồ đâm trọng thương. Các cảnh tranh nhau, đánh nhau vỡ đầu, chảy máu gây thương tích chỉ vì giật đồ cúng... được chia sẻ chóng mặt trên mạng xã hội có rất nhiều ý kiến, bình luận chỉ trích, phẫn nộ của người dân.
Có thể nói, hành vi trên không chỉ là biểu hiện sự mất lịch sự, đánh mất nhân cách, lòng tự trọng của một số người mà còn phản ánh phần nào sự xuống cấp các giá trị đạo đức xã hội. Cách ứng xử này đi ngược lại truyền thống văn hóa, thuần phong mỹ tục tốt đẹp được xây dựng, hun đúc và giữ gìn từ ngàn đời của dân tộc ta.
Dân gian có câu: “Miếng ăn là miếng tồi tàn” hay “Lời chào cao hơn mâm cỗ”. Điều này thể hiện truyền thống coi trọng đạo lý, nhân cách hơn của cải, vật chất của dân tộc ta. Cho dù đói khổ thế nào cũng không coi trọng “miếng ăn”, vật chất bằng tình cảm, lòng tự trọng. Hơn nữa trong thời kỳ hòa bình, ổn định, ấm no mà tranh nhau, đánh nhau vì miếng ăn thì càng thấy nhục nhã làm sao, không thể chấp nhận được!
Thiết nghĩ, cơ quan chức năng cần đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhằm góp phần thay đổi hành vi của một bộ phận người dân trong cách ứng xử thiếu văn hóa như những vụ việc trên. Bên cạnh đó, cần có biện pháp xử lý nghiêm các trường hợp gây mất trật tự xã hội, xâm phạm đến văn hóa tín ngưỡng thờ cúng của người khác, nhất là hành vi cướp giật, phá hoại tài sản, xâm hại thân thể, tính mạng người khác.
Chúng ta không thể cứ mãi thờ ơ, làm ngơ và bỏ qua hành vi phản cảm, vô văn hóa như thế này được. Bởi vì, từ hành vi này không những ảnh hưởng tiêu cực đến nhận thức, văn hóa của thế hệ trẻ, gây mất trật tự, an toàn xã hội mà còn ảnh hưởng đến hình ảnh thân thiện, mến khách của đất nước mà đa số người dân Việt Nam gây dựng nên. Nghiêm trọng hơn là từ hành vi “nhỏ” này sẽ dẫn đến hành vi, cách hành xử phản cảm, vô văn hóa khác lớn hơn, nguy hiểm hơn.
Hy vọng rằng, với sự trừng phạt nghiêm khắc, kèm theo đó là sự lên án, phản đối gay gắt, dè bỉu của cả xã hội sẽ phần nào hạn chế và dần chấm dứt tình trạng “cô hồn sống cướp của cô hồn chết” diễn ra tràn lan như thời gian gần đây.
PHẠM VĂN CHUNG