Nên phạt tù tài xế sử dụng rượu, bia khi tham gia giao thông
VHO- Một vụ tai nạn nghiêm trọng xảy ra ở hầm Kim Liên đêm 30.4 khiến 2 phụ nữ tử vong không khỏi làm dư luận phẫn nộ đối với lái xe sử dụng rượu, bia khi tham gia giao thông mà còn thương xót cho nạn nhân đã ra đi khi tuổi đời còn quá trẻ; người còn sống rơi vào cảnh cha mẹ mất con, chồng mất vợ, con thơ phải mất mẹ…
Ảnh minh hoạ
Công an quận Hai Bà Trưng (Hà Nội) hiện đã khởi tố vụ án “vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ”, theo điều 260 Bộ luật Hình sự 2015, để điều tra hành vi tông chết hai phụ nữ của Lê Trung Hiếu (39 tuổi). Đây là bài học đắt giá cho các tài xế cố tình sử dụng rượu bia khi tham gia giao thông. Một khi ý thức của tài xế không thay đổi, thì vẫn sẽ còn những vụ tai nạn tương tự như vậy xảy ra trong tương lai.
Mặc dù thời gian qua việc xử phạt vi phạm hành chính đối với tài xế có hành vi sử dụng rượu, bia khi tham gia giao thông được triển khai nghiêm túc nhưng ý thức của nhiều tài xế không có sự chuyển biến; tài xế vi phạm nồng độ cồn sẵn sàng nộp phạt, chứ không có ý thức tuân thủ quy định. Những vụ tai nạn giao thông gây thương vong do tài xế sử dụng rượu, bia gây ra hiện chiếm tỷ lệ rất cao trong các vụ tai nạn giao thông.
Tài xế sử dụng rượu, bia khi tham gia giao thông là một hành vi rất nguy hiểm cho xã hội, vì khi uống rượu, bia sẽ gây ra nhiều biểu hiện như buồn ngủ, mắt mờ, tinh thần dễ bị kích động, không làm chủ hành vi… Do vậy, dù sử dụng rượu, bia nhiều hay ít, có vượt nồng độ cồn cho phép hay không thì ít nhiều cũng ảnh hưởng đến hành vi của tài xế khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông.
Hiện nay, tình trạng lái xe sử dụng rượu, bia tham gia giao thông nhưng chưa có giải pháp hữu hiệu để ngăn chặn hiệu quả. Việc đo nồng độ cồn và xử lý vi phạm của lái xe là không xuể, do đó chưa có tác dụng ngăn ngừa, răn đe và thay đổi ý thức của lái xe.
Vì vậy, để góp phần nâng cao ý thức lái xe, ngoài việc xử lý hành vi sử dụng rượu, bia khi lái xe một cách nghiêm khắc, thì cần phải sử dụng đồng bộ các giải pháp như triển khai thực hiện đầy đủ, hiệu quả các quy định của pháp luật về phòng, chống tác hại của rượu, bia; in cảnh báo tác hại trong việc sử dụng rượu, bia khi tham gia giao thông; thường xuyên tuyên truyền, phổ biến các quy định về xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi này; bổ sung quy định phạt lao động công ích hoặc thậm chí phải “bêu tên” đối với lái xe vi phạm nồng độ cồn;…
Đặc biệt, cần nghiên cứu sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan đến xử phạt về hành vi này theo hướng tăng nặng như phạt tù nếu tài xế sử dụng rượu, bia vượt nồng độ cồn cho phép, kể cả trong trường hợp có gây ra hậu quả hay không, đồng thời, tịch thu phương tiện sung công quỹ nhà nước.
Có như vậy mới ngăn ngừa và giảm thiểu các vụ tại nạn giao thông do tài xế sử dụng rượu, bia gây ra.
ĐỖ VĂN NHÂN