Nảy sinh những chuyện bi hài

VHO-Lệ phí, lộ phí… là những thứ phí được quy định rõ ràng trong văn bản nhà nước. Còn một thứ phí khác mà dân gian gọi là “tình phí” không ai quy định được, khiến nảy sinh bao chuyện bi hài.

Một anh tuổi vừa ba mươi, lên mạng gặp người đẹp tâm đầu ý hợp, dẫn nhau đi ăn. Không ai so đo tính toán nên tôm hùm, cua huỳnh đế, bào ngư… cứ thích là kêu, miễn vui và bằng lòng nhau là được. Ăn gần xong thì người đẹp lịch sự xin phép ra ngoài, rồi biến. Anh chàng đang lâng lâng, gọi trả tiền thì mất những 3 triệu. Bấy giờ mới tỉnh ra là bị “chặt chém”, còn người đẹp nọ có bấm máy liên lạc bao lần cũng chỉ nghe “tút tút”, không biết đâu mà tìm.

 Anh bèn lên mạng chia sẻ, kể cũng là một sự can đảm, chứ thông thường nhiều người gặp trường hợp này đành ngậm đắng nuốt cay mà ỉm đi cho đỡ xấu hổ. Có lẽ anh nhớ người xưa có câu “bốn bể anh hùng còn dại gái”, nữa là anh. Anh căm cái quán “chặt chém” và cả “người tình trên mạng”. Liệu giữa cô kia với cái quán nọ có mối “liên minh ma quỷ” nào chăng? Hay là quán dùng “mỹ nhân kế”, dụ khách đến để “chặt chém”? Sự phỏng đoán có thể đúng, bởi cũng có người chia sẻ, họ từng như anh, và cũng bị quán “chém đẹp” như vậy.

Có bức tranh của một danh họa nổi tiếng thế giới tên là Mỹ nhân kế, vẽ hình ảnh một người đẹp cầm gươm chỉ thẳng xuống chân, nơi vị “tướng quân mày râu lẫm lẫm” bị chân người đẹp kẹp giữ ở cổ, mặt vẫn cố ngoái nhìn lên. Còn ở đây, mỹ nhân kế không phải để tranh hùng, mà để “chặt chém” tiền bạc. Như vậy, dù người nam có thật lòng yêu mến cô, sẵn sàng chi trả “tình phí” bao nhiêu đi nữa thì cũng chưa phải là “tình phí” đúng nghĩa. Nó là sự lợi dụng cái tinh thần “chấp nhận tốn kém” của “tình phí”, tức là một sự lừa tình.

Còn chuyện tôi kể sau đây ở thời bao cấp mới thật oái oăm, nạn nhân không phải là nam, mà là nữ. Một nam thanh niên nọ mê một cô gái con nhà giàu. Anh đã nhiều lần bày tỏ tình cảm của mình, nhưng cô nàng luôn tỏ ra hờ hững. Anh có mỗi con xe đạp “ghẻ”, chầu chực chở cô đi chơi, nhưng cô trề môi chê, bảo phải có xe máy mới đi. Một hôm, anh mượn đâu được chiếc xe máy và thế là cô nàng đồng ý. Anh chở cô tới nhà hàng, gọi đủ món đắt tiền, đang ăn anh bảo cô ngồi chờ chút, anh đi ra ngoài một tí rồi quay lại ngay. Nhưng rồi anh mất hút, để cô nàng méo mặt với số tiền phải trả. Một sự “trả thù tình” kể ra khá ác, nhưng ngẫm lại cũng là hệ quả từ tư tưởng thực dụng “một nghìn lời nói không bằng tiếng khói Honda”.

Không phải đến bây giờ, mà từ thời chia cắt đất nước, ở miền Bắc từng có câu ca: Một yêu anh có Pơ-giô/ Hai yêu anh có mô tô cá vàng… Còn ở miền Nam thì các cô gái lựa chọn các anh “đẹp trai, con nhà giàu, học giỏi”. Đẹp trai và học giỏi ai chẳng thích, vấn đề là “tiêu chí” con nhà giàu. Không rõ hạnh phúc gia đình có thực sự tồn tại trong những cuộc hôn nhân đậm đặc mùi tiền như vậy không?!

Rõ ràng, sự chen chân của đồng tiền đã khiến tình yêu méo mó. Với những người không quan trọng chuyện tiền bạc, thì “tình phí” nhiều ít, ai trả cũng được, cái chính là người ta thấy đồng điệu với nhau. Người xưa thường tìm “môn đăng hộ đối” theo kiểu hôn nhân sắp đặt, nhưng dân gian lại ca ngợi trai tài, gái sắc, không tính toán tài sản, tiền bạc, địa vị, như nàng công chúa Tiên Dung lấy Chử Đồng Tử, như công chúa Quỳnh Nga với chàng nghệ sĩ Trương Chi.

Rõ ràng, đồng tiền làm bay màu hình ảnh, xóa nhòa ranh giới tình giả hay tình thật. Nhưng như vậy mới thấy là “người giàu cũng khóc”, khi không thể biết đối tượng của mình “yêu người hay yêu tiền”. Họ chỉ có thể nhận ra mình nhầm khi mọi thứ đã lỡ dở, dẫn đến những um sùm chia tài sản lúc ly hôn. Hay chí ít, chừng nào họ ở vào thế lâm nguy (cạn tiền) mới có thể biết chân tướng sự thật. 

CAO CHƯ

 

Ý kiến bạn đọc