Mập mờ là không thể chấp nhận
VHO- Việc nhận lỗi và sửa sai của nhãn hàng Coca Cola sau văn bản chấn chỉnh của Cục Văn hóa cơ sở (Bộ VHTTDL) đã khép lại nhiều tranh cãi, nhưng cũng cho thấy không ít kinh nghiệm về quản lý thông điệp quảng cáo. Sau những ồn ào từ dư luận, nhiều chuyên gia, nhà văn hóa cho rằng, để quảng cáo sản phẩm mà đưa ra các thông điệp mập mờ, khiến người mua không hiểu đầy đủ về đặc điểm, tính chất sản phẩm là điều không thể chấp nhận.
Liên quan đến các nội dung các văn bản chấn chỉnh thông điệp quảng cáo không rõ nghĩa của Cục Văn hóa cơ sở, Sở VHTT Hà Nội đã ra quyết định xử phạt đối với quảng cáo của Coca Cola với mức 25 triệu đồng. Cụ thể, án phạt này được đưa ra đối với Cty Quảng cáo Probina vì hành vi treo biển quảng cáo “Coca- Cola- Mở lon Việt Nam-Trúng vàng mỗi ngày”. Theo Giám đốc Sở VHTT Hà Nội Tô Văn Động, mức xử phạt này dựa trên hai lỗi: Phía công ty không thông báo nội dung quảng cáo với Sở. Đồng thời, biển quảng cáo này làm mất mỹ quan và an toàn xã hội, vị trí đặt tại 45 Nguyễn Lương Bằng và Sở đã không đồng ý.
Về slogan quảng cáo được chấn chỉnh vì không đảm bảo sự trong sáng của tiếng Việt, nhiều chuyên gia đồng ý với quan điểm của Cục Văn hóa cơ sở: Không cấm nhưng phải điều chỉnh cho phù hợp. Theo ông Nguyễn Văn Dững, Viện trưởng Viện Ứng dụng công nghệ thông tin và Truyền thông, không có cái gọi là lon Hà Nội, lon Thái Bình hay lon Việt Nam. Dùng cụm từ “Mở lon Việt Nam” ngay lập tức làm cho công chúng khó hiểu. Đem tên Việt Nam tùy tiện sử dụng trong slogan quảng cáo để tạo thông điệp mập mờ là điều không thể chấp nhận được.
Cũng liên quan đến vấn đề quản lý thông điệp quảng cáo, ông Tô Văn Động chia sẻ, nhiều lần Sở VHTT Hà Nội đã không chấp nhận khi một doanh nghiệp thông báo nội dung quảng cáo thiếu mạch lạc. Theo ông Động, những nội dung quảng cáo không rõ ràng, khiến người khác dễ suy diễn Sở đều không đồng ý và buộc doanh nghiệp quảng cáo phải sửa đổi.
Còn theo GS.TS Nguyễn Minh Thuyết, hiện tượng mạng xã hội có xu hướng “ném đá” không đúng cần phải cảnh báo và chấn chỉnh. Bởi quảng cáo là quyền của các nhà kinh doanh, nhưng phải đảm bảo sự trong sáng của tiếng Việt. Hiện nay có xu hướng nhiều nhãn hàng pha trộn ngôn ngữ quảng cáo thô kệch, viết câu văn độc đáo nhưng khó hiểu, không đẹp. Trong trường hợp slogan quảng cáo “Mở lon Việt Nam” mà Cục Văn hóa cơ sở chấn chỉnh, GS Nguyễn Minh Thuyết cho rằng đó là nói tắt gây khó hiểu. Bên cạnh đó, khi sản phẩm quảng cáo nào đó gắn với quốc hiệu, tên nước cũng phải thận trọng.
NGUYỄN THÀNH