Lòng tốt là năng lượng diều kỳ chữa lành nỗi đau trong hoạn nạn
VHO- Tôi thích bài hát Để gió cuốn đi của Trịnh Cộng Sơn, trong đó ông viết “sống trong đời sống cần có một tấm lòng”. Đúng thực, lòng tốt có một năng lượng diệu kỳ để chữa lành những khó khăn, nỗi buồn trong thời khắc hoạn nạn của cuộc sống. Người có lòng tốt luôn là người hạnh phúc, mà hạnh phúc là cho đi chứ đâu chỉ là nhận lại. Người hạnh phúc cũng không phải là người luôn nghĩ và chỉ nhận cho bản thân mình, mà chính là người luôn chăm lo, suy nghĩ và sống vì người khác.
Đến sáng ngày 27.8, nước ta ghi nhận 392.938 ca mắc Covid-19, trong đó gần 5.200 ca nặng đang điều trị. Trong thời gian khó khăn vì dịch bệnh như hiện nay, khi con số người nhiễm bệnh vẫn còn rất cao, số người chết còn nhiều, khiến mỗi người chúng ta rất đau lòng thì những câu chuyện về lòng tốt, sự sẻ chia, tình đoàn kết càng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Đất nước đang trong một giai đoạn quan trọng, vượt qua khó khăn, thử thách hiện nay sẽ không chỉ giúp chúng ta trở lại cuộc sống bình thường mà còn chứng minh bản lĩnh dân tộc Việt Nam, giúp chúng ta có thêm sự tự tin để vững bước tiến tới tương lai tươi sáng.
Để làm được điều đó, chúng ta cần sự chung tay, góp sức, tập trung nỗ lực của từng người dân. Đây chính là lúc chúng ta cần có sự thống nhất ý chí, quyết tâm cao độ để nỗ lực của rất nhiều y bác sĩ, lực lượng an ninh, quân đội và mọi tầng lớp trong xã hội đạt được thành công. Khi mỗi người dân là một chiến sĩ, mỗi làng, xã, huyện, tỉnh là những pháo đài chống dịch thì bất kỳ hành vi nào đi ngược lại đều là hành vi không yêu nước, đáng bị lên án.
Chúng ta đang nói đến câu chuyện một số người dân bom hàng, bỡn cợt lực lượng chức năng, những người đang hết sức vì nước, vì dân, đem lại cuộc sống bình yên cho mỗi gia đình và toàn dân tộc. Hiện tượng này không chỉ khiến lực lượng chức năng gặp khó khăn, thêm nặng nhọc trong xử lý công việc mà còn khiến nhiều người có nhu cầu thực sự bị ảnh hưởng. Đây không phải là lúc đùa vui, thử hiệu quả công việc của người khác. Đây phải là khi chúng ta đồng lòng để cùng đất nước vượt qua khó khăn. Thiểu số những người có hành vi bom hàng, bỡn cợt lực lượng chức năng cần phải bị lên án. Họ cần nghiêm túc nhìn nhận lại thái độ và hành động của mình để từ đó hình thành những ứng xử phù hợp hơn với mọi người, với đất nước và cả chính bản thân mình.
Ở đây, chúng ta cũng cần nói đến nhiều hơn về trách nhiệm xã hội của mỗi công dân. “Quốc gia hưng vong, thất phu hữu trách” – nước nhà có lúc thịnh, lúc suy, mọi người dân phải có trách nhiệm lo lắng. Công việc chung của đất nước cũng gắn với công việc và trách nhiệm riêng của mỗi cá nhân và từng gia đình. Xác định trách nhiệm như vậy để chúng ta có thêm quyết tâm, động lực để vượt qua khó khăn chung, cũng như để tránh biến những vấn đề của cá nhân ảnh hưởng không tốt đến nỗ lực chung của tập thể.
Hình ảnh “Bộ đội Cụ Hồ” trực tiếp mang thực phẩm đến từng khu phố và trực chốt kiểm soát tại TP.HCM
Chúng ta cần cảm nhận rằng, ngay giờ phút này, ở ngoài kia, đang có rất nhiều người phải nỗ lực, hy sinh vì sự bình yêu của cuộc sống, vì tính mạng của mọi người. Vì thế, để giảm bớt gánh nặng cho những người đang hy sinh vì tổ quốc đó, mỗi người chúng ta cần xem hành động của mình là thể hiện trách nhiệm với đất nước, một nghĩa vụ đạo đức trong giai đoạn đặc biệt.
Ngày 29.7, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ra lời kêu gọi: “Chúng ta đã cố gắng càng cố gắng hơn nữa; đã đoàn kết càng đoàn kết hơn nữa; đã quyết tâm càng quyết tâm cao hơn nữa; toàn dân tộc muôn người như một, đồng lòng cùng Đảng, Chính phủ, các cấp, các ngành tìm mọi cách quyết ngăn chặn, đẩy lùi bằng được, không để dịch lan rộng, bùng phát trong cộng đồng.” Lời hiệu triệu của Tổng bí thư vừa thể hiện sự khó khăn, phức tạp của dịch bệnh gây ra với đất nước, vừa cho thấy quyết tâm của Đảng trong việc đẩy lùi dịch bệnh. Hơn lúc nào hết, mỗi công dân Việt Nam cần ý thức rõ hơn về vai trò và trách nhiệm của người chiến sĩ của mình. Không làm tổn thương đến người khác, lấy cái tốt để đẩy lùi cái xấu, lấy cái thiện đẩy lùi cái ác chính là những nguyên tắc đạo đức dẫn đường cho xã hội phát triển bền vững.
PGS.TS BÙI HOÀI SƠN