Liệu có nóng vội, khó khả thi?
VHO- Ngay sau khi UBND TP Hà Nội đưa ra kế hoạch thực hiện hạn chế xe máy tại các quận sau năm 2025, sớm hơn 5 năm so với kế hoạch, nhiều người tỏ ra lo lắng về tính khả thi của kế hoạch này. Theo đó, từ sau năm 2025 sẽ dừng hoạt động xe máy trên địa bàn các quận trong phạm vi từ đường Vành đai 3 và đường Trường Sa, Hoàng Sa, Quốc lộ 5 trở vào trung tâm TP. Ngoài ra, sau năm 2030, thành phố cũng sẽ dừng hoạt động xe máy trên địa bàn các quận trong phạm vi từ Vành đai 4 đối với khu vực Nam sông Hồng và Vành đai 3 đối với khu vực Bắc sông Hồng.
l
Ngay lập tức, thông tin trên nhận được sự quan tâm đặc biệt của người dân, bởi hiện nay Hà Nội có gần 8 triệu người với 6,4 triệu phương tiện giao thông cá nhân, trong đó xe máy là 5,6 triệu chiếc và ô tô 600.000 chiếc. Nếu thực hiện kế hoạch này, đời sống của người dân sẽ bị ảnh hưởng không nhỏ. Họ nghi ngờ về tính khả thi của đề án bởi thời gian gần đây, Sở GTVT Hà Nội liên tục đưa ra những kế hoạch, đề án gây “sốc” như: Tới năm 2030 sẽ cấm xe máy vào trung tâm và thu phí phương tiện vào nội đô. Nhiều người cho rằng, thời gian chỉ còn 3-4 năm nữa nếu thực hiện kế hoạch này là nóng vội. Theo lãnh đạo Sở GTVT Hà Nội, chỉ xem xét dừng hoạt động xe máy khi hệ thống vận tải hành khách công cộng và các phương tiện thay thế đáp ứng được nhu cầu đi lại của người dân. Một số chuyên gia về giao thông cho biết, muốn cấm xe máy ở khu vực trung tâm thì phải có phương tiện công cộng thay thế tới một mức độ nhất định, trong đó việc thuận tiện và đáp ứng được nhu cầu đi lại của người dân là yếu tố quan trọng. Hiện tại, xe máy vẫn là phương tiện giao thông hữu hiệu đối với người dân Hà Nội. Người dân có quyền đi xe cá nhân nếu Nhà nước không đủ điều kiện đáp ứng các phương tiện thay thế. Chính vì thế, Hà Nội cần phát triển hệ thống giao thông công cộng đáp ứng đủ nhu cầu, người dân tự động bỏ xe máy nếu thấy phương tiện giao thông thuận tiện hơn, thay vì cấm bằng biện pháp hành chính.
Hiện nay, phương tiện giao thông công cộng ở Hà Nội chủ yếu là xe buýt, tuy nhiên, hệ thống này mới chỉ đáp ứng được 20% nhu cầu đi lại. Trong khi đó, theo các chuyên gia, để cấm được xe máy, vận tải hành khách công cộng phải đảm bảo đáp ứng được 60% nhu cầu đi lại trong nội đô. Đường phố Hà Nội lại chật hẹp, ngõ ngách nhỏ rất nhiều, xe máy vẫn là phương tiện hữu hiệu để người dân di chuyển. Bên cạnh đó, hệ thống đường sắt đô thị mới chỉ có tuyến Cát Linh - Hà Đông được đưa vào khai thác, còn tuyến Nhổn - Ga Hà Nội vẫn đang trong giai đoạn thực hiện. Chính vì thế, muốn cấm xe máy ngay trong năm 2025 thì hệ thống giao thông công cộng Hà Nội phải có sự đột phá rất lớn.
Đây không phải là lần đầu tiên TP Hà Nội đưa ra các chính sách, kế hoạch, đề án hạn chế phương tiện cá nhân, và mỗi lần đưa ra đều nhận được sự quan tâm đặc biệt cũng như những phản ứng trái chiều. “Mặc dù chủ trương hạn chế xe máy trong khu vực nội đô để giảm thiểu ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường luôn được người dân ủng hộ, nhưng những biện pháp đưa ra chưa cụ thể, thiếu tính khả thi và không sát với thực tiễn khiến người dân e ngại, lo lắng và thậm chí bất an. Hãy nhìn lại dự án buýt nhanh BRT, như một sự thất bại thấy rõ”, anh Nguyễn Văn Phong (Hoàng Mai, Hà Nội) nói.
Một chuyên gia cho rằng, trước khi triển khai trên diện rộng, cần thí điểm ở một vài khu vực, sau đó đánh giá, nhìn nhận, đúc kết kinh nghiệm mới đưa ra những giải pháp, biện pháp trên diện rộng toàn thành phố. Nếu không, đề án cấm xe máy chưa triển khai đã “vỡ trận” ngay trên giấy.
QUẢNG XƯƠNG