Lặp lại báo động nhưng không ai để ý
VH- Dư luận không khỏi lo lắng khi mà điểm trung bình môn Lịch sử thi THPT quốc gia năm 2018 thấp hơn hẳn so với những năm trước, chỉ 3,79 điểm.
Trong khi đó, vào năm 2016 là 4,49 điểm, còn năm 2017 là 4,6 điểm. 83,24% thí sinh có điểm thi môn Lịch sử dưới trung bình (468.628 thí sinh). Đây cũng là môn thi có phổ điểm thấp nhất trong số các môn trong kỳ thi THPT quốc gia 2018.
Nguyên nhân của điểm Lịch sử kỳ thi năm nay thấp là do thí sinh chỉ học thuộc lòng và nhớ máy móc mốc sự kiện, ngày tháng; phạm vi kiến thức rộng hơn; giáo viên chưa thực sự đổi mới về cách dạy, học sinh cũng vẫn quen với lối học cũ, không có sự đầu tư và tạo đam mê với môn học này; khá nhiều học sinh chỉ chọn thi môn Lịch sử cho việc xét tốt nghiệp, dẫn đến việc học sinh có thể bỏ không làm các câu khó, dẫn đến việc có nhiều bài thi điểm thấp.
Đây thực trạng đáng lo ngại cho công tác giáo dục lịch sử trong nhà trường hiện nay, nếu không có giải pháp cụ thể thì thế hệ sau sẽ không kế thừa, không biết đến lịch sử nước nhà, dẫn đến thiếu ý thức trong việc phát huy truyền thống của ông cha ta trong việc xây dựng và bảo vệ đất nước. Việc thiếu kiến thức lịch sử rất nguy hại ở chỗ, học sinh sẽ không còn đề cao những giá trị lịch sử, ý nghĩa về sự hy sinh cao cả của các anh hùng, liệt sĩ để có được ngày toàn thắng, bình yên như hiện nay và bảo vệ, vun đắp thành quả cách mạng đó.
Công tác giáo dục môn Lịch sử trong nhà trường hiện nay còn nhiều bất cập thể hiện qua số lượng học sinh học giỏi môn Sử ngày càng ít, với quan niệm cho rằng việc học giỏi môn Sử không có tương lai... Vì vậy, nhiều học sinh thường chọn các môn như Toán, Lý, Hóa… và xem các môn Văn, Sử, Địa chỉ là môn phụ, bởi vì đa số các em cho rằng việc học môn Sử khi ra trường sẽ thất nghiệp hoặc có việc làm nhưng thu nhập sẽ thấp. Việc không coi trọng học môn Lịch sử không chỉ từ phía phụ huynh, học sinh mà kể cả giáo viên dạy môn Sử như biết các em học rất kém môn Sử, không đủ kiến thức, điều kiện để thi tốt nghiệp nhưng vẫn châm chước, bỏ qua cho các em. Bên cạnh đó, giáo viên dạy các môn Toán, Lý, Hóa thường có thu nhập cao hơn so với các giáo viên dạy môn Lịch sử nên một số trường học hiện nay đang thiếu giáo viên giảng dạy môn này.
Để khắc phục tình trạng trên cần phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức trong việc dạy và học môn Sử; xây dựng ý thức của học sinh không được xem nhẹ bất cứ môn học nào từ lớp 1 đến lớp 12 trong nhà trường, có giải pháp để nâng cao thu nhập của các giáo viên dạy môn Lịch sử; đẩy mạnh về giáo dục truyền thống lịch sử thông qua nhiều thể loại đa dạng, phong phú như phim, ảnh, truyện tranh, pa nô, áp phích; các trường đại học, cao đẳng và trung cấp chuyên nghiệp hiện nay khi xét tuyển đầu vào cần chú trọng đến kết quả tốt nghiệp môn Lịch sử của học sinh...
Đề xuất là như vậy nhưng ai cũng biết dường như năm nào dư luận báo chí cũng đề cập đến vấn đề này. Hội thảo, hội nghị to nhỏ để tìm giải pháp “chấn hưng” môn Lịch sửđược tổ chức liên tục, thậm chí có những văn bản kiến nghị lên cấp cao. Thế nhưng không hiểu sao tình trạng báo động chưa hề có sự thay đổi. “Dân ta phải biết sử ta” mà lại như thế này mãi sao?!
ĐỖ VĂN NHÂN