Lại nói chuyện hát nhép

VHO- Tại một buổi biểu diễn ngoài trời mới đây, khi một diễn viên đang hát, đến quãng nghỉ, một người đàn ông mặt đỏ lừ từ bên dưới đột nhiên bước lên sân khấu dã chiến, giằng lấy cái micro của diễn viên rồi trơ lỳ đứng đó một lát, trong khi nhạc đệm cứ trôi đi, rồi mới trả lại cái micro. Rõ là anh ta say xỉn nên mới bạo dạn làm cái việc mà người tỉnh táo rất e ngại. Cái hành vi thật khó hiểu, nhưng hình như anh ta muốn thu cái micro để xem thử bài hát kia có tiếp tục hay không, có phải chỉ là máy hát, có nghĩa là diễn viên chỉ nhép. Ý hẳn, anh ta cũng như rất nhiều khán giả đang xem hát, cứ ngờ ngợ không biết diễn viên ấy hát thật hay chỉ “diễn” việc hát mà thôi.

 Hát nhép chỉ là nhay nháy cái môi, đưa cái micro lên trước miệng nhưng thực sự là đang tắt. Thái độ của người xem là không đồng tình, còn ngành chức năng đã có những quy định cụ thể. Sở dĩ người ta không ưa hát nhép là bởi người nghe có cảm giác như mình đang bị lừa. Bài hát kia chính là “máy hát”, có nghĩa là diễn viên đã hát trước và ghi âm ở audio, đến khi ra sân khấu, đưa vào máy hát sẵn, diễn viên lên sân khấu chỉ diễn làm sao như hát thật mà thôi. Hỏi ngoài lề những người hát nhép tại sao họ làm như vậy, thì bảo rằng trong các sự kiện lớn họ sợ hát trực tiếp (live) sẽ có vấp váp, sợ “bể dĩa”. Các cơ quan, đơn vị tổ chức sự kiện nhiều khi cũng sợ sự cố nên cũng đồng tình hoặc làm ngơ cho việc hát nhép. Thế là cuối cùng, tuy có quy định cấm nhưng tình trạng hát nhép vẫn cứ diễn ra. Cơ quan quản lý văn hóa ở các địa phương cũng không thật sự quyết liệt có các biện pháp chống hát nhép, có lẽ họ cho rằng chuyện này “chẳng chết ai” nên mới ra cơ sự như vậy.

Công bằng mà nói, do được ghi trong phòng ghi âm, nên có thể chất lượng các bài hát có tốt hơn, trong trẻo hơn là hát trực tiếp trên sân khấu. Nhưng thời đại mà phương tiện nghe nhìn có khắp mọi nơi, khi thích thì bất cứ lúc nào người ta cũng có thể mở máy ra xem, cứ gì phải bỏ tiền bạc thời gian đến nhà hát? Người ta đến nhà hát là để được trực tiếp thấy diễn xuất, trực tiếp nghe tiếng hát của người ca sĩ, chứ không phải để xem lại cái đã xem trên máy tái hiện trên sân khấu. Nếu ca sĩ rủi ro có vấp váp đôi chỗ cũng không đến mức là “sự cố” gì ghê gớm. Và tài nghệ của người ca sĩ bộc lộ rõ khi trước mặt họ là những người hâm mộ sẵn sàng cổ vũ cho họ, nếu họ hát và diễn thực sự hay.

Hát nhép rõ là thái độ thiếu tôn trọng khán giả. Một khi khán giả còn hồ nghi người ca sĩ trên sân khấu kia chỉ nhép nhép miệng để đánh lừa mình thôi, thì tâm thế để thưởng thức nghệ thuật sẽ khác. Người ta cứ luẩn quẩn trong đầu không biết ca sĩ đang hát thật hay không. Và vì vậy, tiếng vỗ tay tán thưởng ắt sẽ chỉ còn lẹt đẹt và chính người nghệ sĩ cũng không thể tận hưởng được cái xúc cảm dâng trào được trực tiếp giao lưu với khán giả. Nghĩ cho cùng thì người nghệ sĩ cũng tự hại mình.

Khi hát để thu âm thu hình và bán ra, người nghe chỉ việc mua tải về máy của mình, mở ra thưởng thức, đó là kiểu thưởng thức gián tiếp. Trong trường hợp này người nghệ sĩ không thể biết khán giả của mình là ai, ở đâu. Nó khác với trên sân khấu. Live show khác với thu âm thu hình cơ bản là ở đó. Vậy thì đứng ở phía người nghệ sĩ cũng không có lý do gì để hát nhép.

Đứng về quan hệ quyền và nghĩa vụ giữa khán giả với nghệ sĩ, một khi người ta đã bỏ tiền ra mua vé là người ta đã thỏa thuận với ca sĩ và nhà tổ chức chi phí cho sự xem trực tiếp, nếu người nghệ sĩ không đáp ứng được yêu cầu này thì tựa như vi phạm một hợp đồng. Khán giả có quyền yêu cầu như vậy. Khi xảy ra sự cố về mối quan hệ này, người cầm cân nảy mực chính là các cơ quan chức năng của nhà nước. 

MINH TUỆ

Ý kiến bạn đọc