Lại nhớ chuyện “lắm sãi không ai...”

VHO- Đến giờ người viết vẫn còn nhớ phiên chất vấn và trả lời chất vấn đối với ông Phạm Quang Nghị, lúc đó là Bộ trưởng Bộ VHTT (nay là Bộ VHTTDL) tại Quốc hội. Hôm đó có ít nhất ba đại biểu chất vấn “Tư lệnh” ngành VHTT về việc “chảy máu” cổ vật tại di tích; tình trạng di tích bị xâm phạm và công tác trùng tu gây biến dạng di tích, trách nhiệm thuộc về ai, giải pháp nào để ngăn chặn? Với sự điềm tĩnh vốn có, ông Nghị đã dẫn ra nhiều văn bản pháp luật về di sản văn hoá, trong đó nhấn mạnh, việc quản lý di tích trên địa bàn trách nhiệm trước hết thuộc về chính quyền địa phương sở tại.

Tuy nhiên hiện đang có tình trạng “lắm sãi không ai đóng cửa chùa” với ý là, các văn bản pháp lý liên quan đã quy định cụ thể, rõ ràng trong công tác quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hoá, trong đó có di tích, nhưng trách nhiệm của các cấp chính quyền lại chưa được rõ ràng, cụ thể nên khi xảy ra vụ việc mất cắp cổ vật, di tích bị xâm hại mới dẫn đến câu chuyện “hòa cả làng”.

Dẫn câu chuyện cách nay gần 15 năm để thấy rằng, công tác quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích ở địa phương hiện cũng còn lắm vấn đề, mặc dù nhiều tỉnh, thành phố đã ban hành quy chế phân cấp quản lý di tích về cho quận, huyện, phường, xã. Quy chế phân cấp quản lý di tích về cho các địa phương là đúng, trúng vì không như thế chúng ta khó lòng quản lý, bảo vệ sự toàn vẹn cũng như phát huy được giá trị di tích. Tuy nhiên, trong cái lợi cũng dần xuất hiện những bất cập mà nếu ai quan tâm đều có thể nhận biết. Một trong những vấn đề ấy chính là có tình trạng “khoán trắng” di tích cho ban quản lý cấp thôn, xóm hoặc thủ từ, sư trụ trì. Gọi là “khoán trắng” là bởi ít khi cấp huyện, xã, phường ngó tới mà thi thoảng mới “đáo qua” hoặc kiểm tra công tác quản lý dựa trên báo cáo. Còn những công việc cụ thể, thường nhật trong công tác quản lý, bảo vệ di tích lại phó mặc cho thủ từ, sư trụ trì hoặc ban quản lý cấp thôn, xóm mà nòng cốt vẫn là các cụ cao niên. Bởi thế khi xảy ra chuyện này hay chuyện khác đối với di tích thì không biết xử lý ai, quá lắm thì một ông Phó chủ tịch xã, phường được phân công quản lý văn hoá, xã hội bị khiển trách...

Rồi nữa, có những di tích, khu di sản chứa đựng nhiều giá trị lịch sử, văn hóa, kiến trúc mang tầm cỡ di tích quốc gia đặc biệt, hướng tới danh hiệu cao quý hơn lại được cấp tỉnh chuyển giao quản lý về cho cấp huyện, trong khi đó ở cấp này thì năng lực, trình độ chuyên môn của cán bộ không phải khi nào cũng đáp ứng được yêu cầu. Cách đây cũng hơn 10 năm, tại cuộc làm việc với Bộ, ngành có địa phương gần sát Hà Nội đề nghị xin được chuyển quyền quản lý từ cấp tỉnh về cấp huyện để “trông coi”, phát huy một khu di tích, danh thắng với lý do: Khu danh thắng này có quy mô rộng, địa hình phức tạp, xung quanh đông dân cư, giao cho cấp huyện quản lý là để ngăn chặn tình trạng di tích bị xâm phạm. Trước đề xuất này, lãnh đạo Bộ, ngành đó ngay lập tức nói “không”, đồng thời yêu cầu kiện toàn ban quản lý để phát huy hiêu quả danh thắng đó. Thế nhưng dăm ngày sau, địa phương ấy vẫn chuyển quyền quản lý khu danh thắng đó về cho huyện. Nhãn tiền là, khu danh thắng ấy mãi đến nay vẫn chưa phát huy được giá trị, đó là chưa nói đến việc hướng đến một danh hiệu có giá trị cao hơn.

Chắc chắn rằng, việc quản lý di tích ở các địa phương, trong đó có câu chuyện phân cấp quản lý cho chính quyền sở tại sẽ được đưa ra bàn thảo, phân tích trong thời gian tới để công tác này được “nâng cấp” tương xứng với giá trị của di sản, nhưng trước mắt chúng ta có thể nhận diện được, phân cấp, phân quyền mà không gắn với trách nhiệm chính trị, trách nhiệm hành chính thì khó lòng đạt được hiệu quả. 

NGUYỄN THANH SƯƠNG

Ý kiến bạn đọc