Lại chuyện ăn Tết ta theo lịch Tây!
VH- Mấy ngày nay cộng đồng mạng xã hội bày tỏ thái độ gay gắt quanh đề xuất của PGS.TS Nguyễn Thị Minh Thái, rằng nên ăn Tết theo lịch Tây, nghỉ 3 ngày là được rồi.
Nghỉ Tết thay vì kéo dài một tuần, 10 ngày thì chỉ nên nghỉ đúng 3 ngày trọn vẹn. Điều này vừa tiết kiệm thời gian, tránh lãng phí, gây mệt mỏi, phiền hà cho nhiều người…
Cần phải nói ngay rằng đề xuất của PGS.TS Nguyễn Thị Minh Thái không hề mới mẻ gì nếu không dám nói là đã quá cũ kỹ. Còn nhớ vào những năm đầu thập niên 90 của thế kỷ trước có một GS ở phía Nam đã đề xuất ăn Tết ta theo tết Tây, nghĩa là “xóa” hẳn Tết cổ truyền dân tộc nhằm giảm thiểu chi phí và tập trung thời gian cho sản xuất, kinh doanh. Đề xuất đó được đăng trên một tờ báo. Ở đó vị GS này còn dẫn ra một câu chuyện, có doanh nghiệp đã bị đối tác bên trời Tây phạt khoản tiền khá nặng vì không giao sản phẩm đúng như hợp đồng hai bên đề ra. Lý do, công nhân nghỉ về quê ăn Tết nên không có ai làm.
Đề xuất trên của GS ngay lập tức đã tạo ra diễn đàn góp ý, tranh luận rất sôi nổi, kéo dài trong một thời gian khá dài. Tựu trung ý kiến đồng tình với GS khá thấp, còn lại đề nghị phải giữ Tết cổ truyền dân tộc với lập luận rất văn hóa dân gian “cả năm mới có được mấy ngày Tết” chiếm phần đông. Sau cùng là không hạ hồi phân giải được câu chuyện, và thế là Ta vẫn cứ là Ta.
Cũng nhân câu chuyện này, người viết được PGS Lê Văn Lan kể cho nghe câu chuyện xảy ra cách nay vừa tròn 45 năm. Ngày đó đế quốc Mỹ leo thang bắn phá miền Bắc rất dữ dội. Một người dân ở phố cổ Hà Nội đã viết bài gửi cho một tờ báo lớn và được đăng, với nội dung không nên ăn Tết cổ truyền nữa, chuyển sang ăn theo tết Tây để tập trung thời gian, công sức cho đánh thắng giặc Mỹ. Ngay sau khi bài báo được đăng, người dân phố cổ đọc được và tỏ rõ thái độ với tác giả. Sáng hôm sau, trên cửa sổ nhà tác giả xuất hiện dòng chữ: “Nếu năm nay gia đình mày ăn Tết thì đừng có trách”. Được biết, gia đình của tác giả kia đã phải bán nhà đi ở nơi khác, không dám quay đầu trở lại.
Những năm gần đây, đâu đó cũng xuất hiện đề xuất này rồi sau đó rơi tõm giữa không trung. Nói như thế để thấy một điều rằng, Tết cổ truyền là ngày hội văn hóa truyền thống của dân tộc và đã ăn sâu vào tâm thức, tình cảm từ hàng nghìn đời nay. Bởi vậy thay đổi những giá trị văn hóa ấy đâu có dễ như một vài người lầm tưởng. Cần nói thêm ở Nhật từ lâu đã ăn Tết cổ truyền theo tết Tây. Đấy là ở một số thành phố lớn, còn rất nhiều vùng thôn quê khác vẫn ăn Tết cổ truyền như xưa cũ.
Nguyễn Hòa