Là gì đi nữa cũng phải có trách nhiệm với cộng đồng

VHO- Chuyện xảy ra tại Bắc Giang đã khiến chúng ta bức xúc và lo lắng cho cộng đồng giữa lúc đại dịch bùng phát được coi là nguy hiểm nhất từ trước đến nay. Đó là một trường hợp thuộc diện F1 nhất định cố thủ trên gác không chịu đi cách ly tập trung, chính quyền đã buộc phải điều xe thang tới cưỡng chế. Thì ra người phụ nữ này liên quan đến một giáo phái có tên Hội Thánh Đức Chúa Trời nên không chấp nhận khai báo để được chữa trị. Thật là suy nghĩ nông cạn và cực kỳ nguy hại cho cả cộng đồng.

 Kết quả đối tượng này bị xử phạt 10 triệu đồng, là mức xử phạt hành vi vi phạm hành chính cao nhất được quy định tại Nghị định 117 của Chính phủ.

Tiếp đó, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM cho biết, đã xác định được nhiều trường hợp dương tính với SARS-CoV-2 liên quan tới một tổ chức tôn giáo có tên Hội Thánh truyền giáo Phục Hưng. Hội nhóm này sinh hoạt trong một không gian nhỏ hẹp, kém thông thoáng và không đeo khẩu trang. Điều kiện không đảm bảo như trên cùng với biến chủng virus Ấn Độ đã tạo thành một chuỗi lây nhiễm mạnh, số lượng nhiễm cao, thời gian lây ngắn, đặc biệt lan ra với tốc độ chóng mặt không chỉ trong TP.HCM mà còn ở nhiều tỉnh, thành. Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an quận Gò Vấp đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự về tội danh “lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người” liên quan Hội Thánh truyền giáo Phục Hưng để tiến hành điều tra vụ án.

Có lẽ, sự việc trên là một trong những nguyên nhân khiến TP.HCM đã phải ra quyết định giãn cách toàn thành phố theo Chỉ thị 15 từ 0h ngày 31.5, dù chưa có con số ca bệnh chính xác nhưng theo chính quyền thành phố là “cao hơn số liệu đã công bố rất nhiều và cao đến mức không thể tưởng tượng được”, chúng ta đã giữ được nhưng đến hôm nay lại để bị “thủng lưới” từ một tình huống phạm luật đặc biệt nguy hiểm.

Chắc chưa ai có thể quên thời gian đầu của đại dịch này đã từng xảy ra vụ các tín đồ của một giáo phái bên Hàn Quốc trốn tránh cách ly do họ có tư tưởng cực đoan khiến cả thế giới phải “nín thở” trong nỗi âu lo khủng khiếp. Bất chợt, người viết nhớ lại câu chuyện mà Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền của ta tại Ấn Độ, ông Phạm Sanh Châu vừa hồi tưởng lại, đó là nỗi ám ảnh khó có thể quên khi hầu hết cán bộ, nhân viên trong Sứ quán bị nhiễm Covid mà không thể nhập viện vì hệ thống y tế đã quá tải. Chỉ khi nào bệnh quá nặng, nhân viên ngoại giao của chúng ta mới được nằm viện và rồi chưa hồi phục đã bị cho ra để nhường chỗ cho người khác…

Đọc những dòng hồi tưởng của ông Châu mà thấy nghẹn lòng và thấy chúng ta thật quá hạnh phúc, thậm chí là một trời một vực so với bạn. Vậy mà lại có ai đó đã cực đoan, cuồng tín đến mờ mắt, không nghĩ đến sinh mệnh của chính mình cùng người thân, rộng ra là nỗ lực của cả cộng đồng, hành vi đó cần phải lên án mạnh mẽ và có biện pháp xử lý thật nghiêm minh theo pháp luật hiện hành. 

 QUỐC PHONG

Ý kiến bạn đọc