Khuôn mẫu văn hóa truyền thống

VHO- Việt Nam đã mở cửa, hội nhập vào xu thế toàn cầu hóa và đã xác định chiến lược xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Tức là vừa tiếp thu tinh hoa văn hóa thế giới vừa giữ gìn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc. Tuy nhiên, sự du nhập lối sống từ bên ngoài đã mang theo cả yếu tố tích cực và tiêu cực. Bài viết này chỉ bàn về một khía cạnh cụ thể là “khuôn mẫu” truyền thống về giới tính cần được mở rộng hay thay thế để thích ứng với sự thay đổi của đời sống xã hội ngày nay?

 Khuôn mẫu truyền thống về giới tính đã hình thành và tồn tại từ rất lâu trong văn hóa người Việt. Thời xưa dường như chỉ thừa nhận có hai giới là Nam và Nữ. Từ đó đã hình thành các “khuôn mẫu” được thể hiện trong kho tàng ca dao tục ngữ, dân ca rất phong phú. Đối với phái Nam, từ khóa chính là “làm trai cho đáng nên trai…” sau đó được ghép nối với nhiều câu khác để ca ngợi những phẩm chất tốt đẹp và tài năng của người đàn ông như: Phú Xuân cũng tỏ, Đồng Nai cũng tường… xuống đông đông tĩnh, lên đoài đoài yên… Đồng thời, cũng chê trách những người đàn ông yếu đuối bất tài, tham lam như câu: Đàn ông rửa bát, quét nhà… một trăm bữa cỗ chẳng sai bữa nào… Đối với phụ nữ, khuôn mẫu hoàn hảo là: Công, dung, ngôn, hạnh… đồng thời cũng phê phán những thói xấu như: Đàn bà rộng miệng tan hoang cửa nhà, ám chỉ tính tham ăn và ngôi lê đôi mách…

Những giá trị và sức mạnh của khuôn mẫu văn hóa truyền thống ấy đã được chứng minh trong thực tế lịch sử: Thực dân Pháp đô hộ nước ta gần 80 năm, họ thực hiện chính sách ngu dân, họ du nhập lối sống phương Tây nhằm đồng hóa người Việt nhưng chỉ một bộ phận cư dân đô thị đã chịu ảnh hưởng nhất định, còn trong ký ức của đa số người dân Việt Nam luôn ghi nhớ những câu ca dao, tục ngữ chứa đựng những giá trị văn hóa truyền thống. Trong cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân đế quốc, tinh thần “làm trai cho đáng nên trai” thể hiện trong những ca từ hào hùng: Đoàn vệ quốc quân một lần ra đi, dù có gian nguy nhưng lòng không nề… và biến thành phong trào “Thanh niên ba sẵn sàng… xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”. Cùng với phong trào, “Phụ nữ ba đảm đang, giỏi việc nước đảm việc nhà” là giá trị “Công, dung, ngôn, hạnh” được thể hiện trong hoàn cảnh lịch sử mới.

Ngày nay đàn ông chia sẻ công việc gia đình như rửa bát, quét nhà đã là chuyện bình thường, Phụ nữ cũng làm những việc như kỹ sư cơ khí, xây dựng, lái xe, cảnh sát, quân đội… Đồng thời xã hội cũng đã quen dần với sự tồn tại của những người có giới tính khác như cộng đồng LGBT, họ không còn bị miệt thị, xa lánh như trước đây. Những điều đó cho thấy khuôn mẫu truyền thống đã được mở rộng rất nhiều, không phải là sự “đóng đinh” về lối sống như một số nhà nghiên cứu đã nói. Nói cách khác, hành vi và hình thức đã thay đổi theo hoàn cảnh lịch sử nhưng giá trị văn hóa không đổi thay. Có một số người muốn từ bỏ khuôn mẫu văn hóa truyền thống nhưng khi nói về những phẩm chất của người phụ nữ hiện đại, họ vẫn phải nói về các nội dung: Công việc chuyên môn, vị trí xã hội, thẩm mỹ ngoại hình, bao dung nhân ái. Thực chất đó là nội dung của công, dung, ngôn, hạnh trong hoàn cảnh mới. Trên các trang mạng xã hội ngày nay lan tràn khá nhiều những hình ảnh, phát ngôn phản cảm, có lẽ họ cho rằng từ bỏ những khuôn mẫu truyền thống là có văn hóa tiên tiến.

Công cuộc xây dựng “nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” ngày nay, không phải là sự thay thế mà là mở rộng và hiện đại hóa những khuôn mẫu văn hóa truyền thống. Đồng thời “Việt Nam hóa” những tinh hoa văn hóa thế giới giống như trong lĩnh vực âm nhạc đã kết hợp sử dụng nhạc cụ châu Âu để biểu diễn âm nhạc Việt Nam và sử dụng nhạc cụ dân tộc để biểu diễn âm nhạc châu Âu tạo ra nền âm nhạc tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc được thế giới đón nhận. 

TS NGUYỄN HỮU NGUYÊN

Ý kiến bạn đọc