Không to mà đúng
VH- Vậy là chúng ta sẽ không phải chứng kiến chiếc bánh giầy to đến kinh khủng trong lễ giỗ Tổ Hùng Vương năm nay!
Thay vào đó ta lại được chứng kiến nhiều cái đúng. Cái đúng đầu tiên phải kể đến là sự tham mưu kịp thời của Sở VHTT tỉnh Thanh Hóa. Tại sao vậy? Tại vì một sự cẩn trọng đúng nguyên tắc. Nguyên tắc cẩn trọng khi làm một việc gì đó khác người.
Đành rằng, không ai ngăn cản sự sáng tạo. Đặc biệt là sự sáng tạo thể hiện sự thành kính của con Lạc cháu Hồng với Quốc Tổ Hùng Vương. Việc phải dùng tới 3 tấn ngọc thực và rất nhiều công sức để có một chiếc bánh khủng cần được kiểm nghiệm bởi nguyên tắc cẩn trọng cân nhắc cái được và cái không được, thậm chí phải tính đến cả cái mất! Có lẽ sự cẩn trọng như vậy đã giúp cơ quan chức năng tỉnh Thanh Hóa “suýt sai” chuyển thành đúng nhờ lắng nghe dư luận và xin ý kiến chỉ đạo của tỉnh.
Bài học ấy tôi nghĩ rằng không chỉ địa phương này mà nhiều địa phương cần học cho thuộc, mỗi khi định làm một việc gì lạ. Đương nhiên tôi cũng muốn xã hội nhìn nhận vấn đề theo hướng mở nhằm khuyến khích sự sáng tạo. Suy cho cùng thì lãnh đạo thành phố Sầm Sơn cũng muốn thể hiện sự thành kính với Quốc Tổ, đồng thời giới thiệu sản vật đặc sắc của địa phương bằng một việc làm tạo nên sự kiện độc đáo có ấn tượng mạnh mẽ. Văn hóa cần sự sáng tạo, Lễ hội Hùng Vương cũng không phải là ngoại lệ. Lãnh đạo thành phố Sầm Sơn muốn góp một sáng tạo cho lễ hội là điều đáng hoan nghênh. Tuy nhiên, sáng tạo văn hóa không đơn giản là “to ra”, “hoành tráng” hơn! Đặc biệt là ý nghĩa thiết thực với đời sống con người của sự kiện văn hóa. Và đương nhiên đã là văn hóa thì không được pha chút vụ lợi nào trong đó. Sau sự kiện này, chắc chắn nhiều địa phương sẽ phải biết từ bỏ tư duy giản đơn và có phần hơi “trọc phú” về văn hóa theo kiểu to hơn, lớn hơn, hoành tráng hơn!
Cái đúng nữa phải kể đến lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa. Quyết định không cho phép triển khai ý tưởng chiếc bánh giầy khủng là hết sức đúng đắn. Mặc dù có người cho rằng ở Thanh Hóa đã làm chiếc bánh giầy khủng chỉ kém cái dự kiến chừng một tấn! Tôi vẫn muốn bảo vệ cái đúng của lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa. Cái đúng ở đây là dù đã làm rồi, nhưng thấy không đúng thì quyết không lặp lại. Hơn nữa, bài học cần suy ngẫm thêm ở đây là: Có thể có cái đúng ở địa phương nhưng không thể áp dụng ở tầm quốc gia, đặc biệt về văn hóa! Không gian văn hóa một địa phương hẹp hơn cả nước. Sự khác biệt về không gian có thể dẫn đến sự đổi khác về ý nghĩa và hướng tác động của nó! Nhân đây xin nói về lễ hội dân gian ở các làng quê. Hãy để cho nó được thực hiện trong phạm vi không gian văn hóa truyền thống của nó. Đừng lạm dụng “chữ hoành tráng” mà mở không gian vượt ra khỏi giới hạn cần có của nó. Không gian và quy mô vượt khung có thể kéo theo những hệ lụy trước đây không có. Như vậy có thể thấy dù vì lý do gì thì quyết định của lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa là đúng!
Và cuối cùng, cái đúng thuộc về những người tâm huyết và chân thành vì truyền thống văn hóa Việt Nam. Nếu không có sự lên tiếng mạnh mẽ, kịp thời của dư luận không biết chuyện gì có thể xảy ra.
Cái đúng đã được thực thi. Mùa lễ hội còn dài. Không nên làm to chuyện theo kiểu ném đá cho hả. Mỗi người, mọi người và toàn xã hội, đặc biệt là những người làm quản lý văn hóa hãy bình tâm suy ngẫm và hành xử sao cho mùa lễ hội an vui, lành mạnh. Và đương nhiên hãy thấm thía bài học ông cha đã dạy về văn hóa muốn hay, muốn tốt, muốn đẹp thì phải đúng. Vậy là không to mà đúng!
TS. Nguyễn Viết Chức