Không nên ứng xử “cứng nhắc” với biển hiệu di tích

VHO- Về tên gọi Phủ Tiên Hương hay Phủ chính Tiên Hương thuộc quần thể di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật quốc gia Phủ Dầy (Vụ Bản, Nam Định) đã được Văn Hóa đề cập nhiều lần, trong đó mong muốn chính quyền địa phương, cơ quan chức năng cần sớm hướng đến một sự định danh thật sự khoa học, phù hợp với lịch sử, tính chất của di tích cũng như đúng với quy định pháp luật về di sản văn hóa.

Không nên ứng xử “cứng nhắc” với biển hiệu di tích - Anh 1

 

Phủ Chính Tiên Hương

 Thế nhưng ở đây, câu chuyện yêu cầu gỡ xuống rồi lại đề nghị dựng lên biển hiệu di tích cứ mãi dùng dằng mà lý do được đưa ra nghe qua có điều gì đó chưa được minh bạch cho lắm!

Còn nhớ vào hồi tháng 10 năm 2021, sau khi tiếp nhận và nghiên cứu đơn đề nghị của bà Trần Thị Huệ, thủ nhang Phủ Tiên Hương, Cục Di sản văn hóa (Bộ VHTTDL) đã có văn bản gửi Sở VHTTDL Nam Định, trong đó thống nhất về việc treo biển tên di tích là “Phủ chính Tiên Hương”, đồng thời đề nghị Sở này chỉ đạo cơ quan chức năng phối hợp với chính quyền địa phương hướng dẫn, giám sát việc treo biển tại vị trí phù hợp, đảm bảo trang trọng và đúng quy định. Trong trường hợp cần thiết có ghi chú rõ ràng đối với tên gọi di tích. Những tưởng, qua ý kiến cụ thể của Cục Di sản văn hóa, việc treo biển tên di tích “Phủ chính Tiên Hương” sẽ nhận được sự đồng thuận từ cơ quan chức năng, chính quyền địa phương, thì sự việc lại bị đẩy lên mức “căng thẳng” hơn khi nơi sở tại yêu cầu phải có văn bản của cấp có thẩm quyền cao hơn. Thậm chí, địa phương còn cho rằng, văn bản của Cục Di sản văn hóa “sẽ gây tình hình bất ổn, phức tạp về an ninh, trật tự xã hội tại địa phương, phá vỡ công tác quản lý di tích đã đi vào nề nếp”.

Là người biết rõ nội tình câu chuyện này, một chuyên gia về bảo tồn di tích cho biết, nếu trong công tác quản lý, phát huy giá trị di sản văn hóa mà chúng ta cứ “cứng nhắc”, ôm khư khư quan điểm, quyết định để áp đặt cái gọi là mệnh lệnh hành chính thì rất khó giải quyết được tình hình. Với di tích Phủ Tiên Hương, trong hàng chục năm qua các nhà nghiên cứu đã xác định đầy đủ tư liệu lịch sử nhằm chứng minh nơi đây từ xa xưa có tên “Phủ chính Tiên Hương”, và hiện còn lưu giữ trên bia đá, chuông đồng... Hơn nữa, cộng đồng dân cư sở tại cũng thừa nhận điều này thì hà cớ sao phải gây khó dễ, hoặc viện dẫn nguyên nhân nọ, lý do kia.

Liên quan vấn đề này, mới đây nhất Bộ VHTTDL có văn bản gửi UBND tỉnh Nam Định về việc treo biển tên di tích tại Phủ Dầy, trong đó cho biết, thủ nhang Phủ Tiên Hương Trần Thị Huệ đề nghị treo biển “Phủ chính Tiên Hương” là đảm bảo đúng quy định của pháp luật về di sản văn hóa, phù hợp với lịch sử và tính chất của di tích. Đồng thời, Bộ đề nghị UBND tỉnh Nam Định chỉ đạo Sở VHTTDL Nam Định phối hợp với chính quyền địa phương và căn cứ tình hình thực tiễn quản lý di tích tại địa phương, làm việc với bà Trần Thị Huệ để hướng dẫn, tạo sự đồng thuận khi thực hiện việc treo biển di tích phù hợp với quy định của pháp luật về di sản văn hóa.

Thấy rằng đã đến lúc chính quyền địa phương, cơ quan chức năng cần ngồi lại với các thủ nhang trong quần thể di tích Phủ Dầy để cùng nhau có cái nhìn thấu đáo, hướng đến mục tiêu chung là phát huy hiệu quả hơn nữa giá trị của di tích, di sản, và cần khép lại câu chuyện việc treo biển hiệu di tích. 

 NGUYỄN THANH SƯƠNG

Ý kiến bạn đọc