Không để việc nghiên cứu khoa học là “chùm khế ngọt”
Dư luận hết sức bức xúc khi hàng chục đề tài, dự án nghiên cứu khoa học tại Sở KH&CN tỉnh Kiên Giang vừa bị phát hiện sai phạm liên quan đến tài chính ngân sách và kinh phí. Đặc biệt, nhiều đề tài, dự án đã xử lý ngưng thực hiện nhưng chưa thanh quyết toán số tiền đã cấp hàng tỉ đồng; nhiều đề tài dự án thanh quyết toán sai quy định, vượt định mức với số tiền hàng trăm triệu đồng...
Dưới góc độ bài viết này, chúng tôi chỉ đề cập đến những bất hợp lý, lãng phí trong việc thực hiện đề tài, dự án nghiên cứu khoa học hiện nay ở một số địa phương, đơn vị.
Theo một số chuyên gia thường được mời đánh giá, phản biện đề tài, dự án khoa học cấp tỉnh tiết lộ thì trung bình mỗi năm ở các tỉnh khó khăn nhất cũng bố trí ít nhất từ 10 - 20 đề tài khoa học từ cấp tỉnh, Bộ, ngành trở lên.
Vì vậy, số tiền chi cho nghiên cứu khoa học cũng khá lớn so với tình hình khó khăn chung của ngân sách nhà nước.
Vấn đề dư luận đặt ra là trong số các đề tài khoa học ấy, bao nhiêu đề tài được đưa ra áp dụng trong thực tế cuộc sống? Và chúng hiện đang ở đâu?
Câu trả lời không quá khó vì các đề tài khoa học có tính khả thi, ứng dụng vào thực tế cuộc sống rất ít, chỉ đếm trên đầu ngón tay, số còn lại nằm đâu đó trên nóc tủ hoặc các kho lưu trữ!
Vậy vì sao nhiều đề tài khoa học không được sử dụng, kém hiệu quả nhưng hằng năm cơ quan chức năng vẫn cấp kinh phí, “năm sau cao hơn năm trước” để làm các đề tài khoa học mới? Vấn đề này thì chỉ có người trong cuộc mới có câu trả lời thỏa đáng nhưng có thể hiểu phần nào, đó là vì bệnh thành tích, vì “bầu sữa” ngân sách. Trong nghiên cứu khoa học đâu đó vẫn còn cơ chế “xin - cho”. Vì thế có thể phải “chạy” đề tài, dự án nghiên cứu khoa học để nhận được “lộc”, chí ít cũng có “hoa hồng” từ các đối tác khi được phân bổ đề tài!
Thậm chí, nhiều cơ quan, tổ chức, cá nhân không có khả năng thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học hoặc biết đề tài đó khó có thể khả thi, ứng dụng được vào thực tế cuộc sống nhưng vẫn đăng ký tham gia thực hiện đề tài, dự án nghiên cứu khoa học! Nhiều đề tài khoa học chất lượng rất kém, trùng lặp nhưng vẫn được chấp thuận, do đó dẫn đến tình trạng sao chép, xào xáo, cóp nhặt từ các đề tài khác nhằm rút tiền ngân sách mà không mang lại bất kỳ giá trị thực tế nào.
Ngoài ra, kinh phí thực hiện các đề tài, dự án nghiên cứu khoa học thường khá lớn, có đề tài tiêu tốn hàng tỉ đồng nhưng khi hoàn thành lại bỏ vào... tủ. Vì thế, không có gì phải bất ngờ khi đầu tư vào giáo dục, đào tạo của nước ta thuộc hàng cao so với khu vực nếu tính theo GDP nhưng hiệu quả, chất lượng giáo dục lại chưa tương xứng với số tiền bỏ ra.
Thiết nghĩ, các cơ quan có thẩm quyền cần kiểm soát chặt chẽ việc phân bổ đề tài, dự án nghiên cứu khoa học, phải đánh giá tính khả thi thận trọng, chặt chẽ trước khi cho thực hiện các đề tài. Việc nghiệm thu đề tài, dự án nghiên cứu khoa học cũng cần tiến hành nghiêm túc, khách quan, không nên chạy theo chỉ tiêu, thành tích, nể nang.
Tuyệt đối không qua loa, hình thức, dễ dãi trong đánh giá hiệu quả, tính khả thi của đề tài khoa học nhằm hạn chế tiêu cực, lãng phí ngân sách và chống bệnh thành tích, vụ lợi của một số tập thể, cá nhân. Đặc biệt, phải ngăn chặn, xử lý hiệu quả tình trạng xem ngân sách dành cho nghiên cứu khoa học như… chùm khế ngọt!
QUỐC CƯỜNG