Không còn là... liễu yếu đào tơ

VHO- Chỉ trong một thời gian ngắn gần đây, cư dân mạng đã phải liên tục chứng kiến nhiều clip ghi lại hình ảnh những nữ sinh bị hành hung, đánh hội đồng có thể nói là rất dã man. Nhiều người phải ngán ngẩm mà thốt lên rằng, vì sao đám trẻ lại ngày càng manh động như thế, phải chăng chúng bị ảnh hưởng quá nhiều bởi phim ảnh và những hình thức giải trí mang tính bạo lực? Dù có lý giải thế nào đi chăng nữa, thì đây thực sự là vấn đề rất đáng báo động của xã hội và cần được ngăn chặn.

Vào Google và gõ từ khóa “nữ sinh đánh nhau”, chúng ta thấy hiện lên hàng trăm clip với đủ các sắc thái, nhẹ thì có túm tóc, tạt tai, văng tục, nặng thì cầm dao, cầm gạch “loạn đả” y như các băng nhóm xã hội đen đang truy sát, đuổi cùng, giết tận. Nhưng, có lẽ đây mới chỉ là phần nổi của tảng băng chìm. Còn biết bao nhiêu vụ việc bắt nạt người yếu thế chưa bị đưa ra ánh sáng? Chứng kiến những hình ảnh thẳng tay đánh đập bạn không thương tiếc ấy, người xem không khỏi xót xa về cách hành xử, giải quyết mâu thuẫn của một bộ phận giới trẻ hiện nay, khi mà các em mới chỉ đang là học sinh ngồi trên ghế nhà trường, và “kẻ thù” không ai khác là bạn học cùng trường, cùng lớp, thậm chí ngồi cùng bàn với nhau. Điều đáng buồn nhất là những clip đánh người tung lên mạng trong thời gian vừa qua chủ yếu là các nữ sinh, tuổi mới mười lăm, mười sáu, nhưng rất hung hãn, sẵn sàng chà đạp lên nhân phẩm và thể diện của bạn mình, sẵn sàng lột tung quần áo bạn, thẳng chân đạp vào mặt và ngực bạn, có những đối tượng còn cầm gạch, mũ bảo hiểm thẳng tay “nện” cho đối phương tóe máu mới vừa lòng. Điển hình như vụ hành hung hai nữ sinh trường THCS Phú Cường (Hà Đông, Hà Nội) vừa qua đã khiến một nạn nhân bị chấn thương sọ não, rạn quai hàm, tụ dịch ở mũi… và gia đình đã phải đưa đi cấp cứu tại bệnh viện. Điều đó cho thấy sự vô tình, lạnh lùng và tàn bạo như “sát thủ máu lạnh” thực thụ của những nữ sinh còn chưa đến độ “trăng tròn”. Rõ ràng, đây là một thực trạng đáng báo động về việc coi thường các chuẩn mực đạo đức và nhân cách con người của những “mầm non” tương lai.
Có một điều rất lấy làm lạ là, nam sinh do tính tình nóng nảy hay thượng cẳng chân hạ cẳng tay đã đành, còn đây lại là nữ sinh (xin nhấn mạnh là ngày càng nhiều) thích giải quyết mâu thuẫn bằng “nắm đấm”. Vì sao lại xuất hiện tình trạng “xấu xí” đó khi nữ nhi thuộc phái “chân yếu tay mềm” cơ mà?
Trong thời đại cách mạng công nghiệp, gần như học sinh nào cũng đều sử dụng mạng xã hội như facebook, zalo, tik tok… Chỉ cần một lời bình phẩm hơi tiêu cực, vài câu tranh luận cũng dẫn đến xích mích với nhau, rồi hẹn gặp nhau ra một điểm vắng vẻ nào đó để “giải quyết”. Một số em do hoàn cảnh gia đình không hạnh phúc, thiếu thốn tình cảm nên chán nản rồi dẫn đến tiêu cực, luôn muốn bùng nổ, quậy phá, gây gổ với những bạn đủ đầy hơn mình. Có những em thì cha mẹ bận kiếm sống phương xa, gửi con lại cho ông bà, họ hàng nuôi, ít có thời gian và thậm chí là không hề gần gũi, quan tâm, giáo dục con em mình, thì làm sao biết được con đang làm gì, đi đâu, với ai... Để rồi, những tâm hồn non nớt ấy sa dần vào thói hư tật xấu, kết bè, kết đảng với những đối tượng xấu, tiếp cận với những clip có nội dung bạo lực, dung tục, phản cảm…
Trên thực tế, thầy cô và nhà trường hiện nay rất khó xử lý mạnh tay, bởi theo quy định thì kỷ luật học sinh nặng nhất cũng chỉ có thể buộc thôi học 1 tuần và chủ yếu là khuyên bảo, động viên. Nhưng những hình thức này với nhiều đối tượng xem ra chỉ như “muỗi đốt i-nox”. Nên chăng, pháp luật cần có những chế tài nghiêm khắc hơn nữa dành cho những hành vi này, thay vì chỉ kiểm điểm và nhắc nhở… 

ĐỖ CAO HUYỀN 

Ý kiến bạn đọc