Không ai biết tên từng người lính
VHO- Trong cuộc sống bình thường, người dân tiếp xúc với chính quyền qua các thủ tục hành chính, công an khu vực, công an giao thông, thuế vụ... Theo một số cuộc điều tra xã hội học, chỉ số hài lòng về các dịch vụ công ở nước ta chưa cao, nhất là việc giải quyết khiếu kiện, tranh chấp. Nhưng đến khi thực hiện giãn cách xã hội, “ai ở đâu ở đó” thì nỗi lo trước nhất của người dân là làm sao có lương thực, thực phẩm cho bữa ăn hằng ngày... và rất nhiều mối lo khác. Lúc đó, người dân mới chú ý đến những thông báo của Chính phủ và lời hứa không để người dân nào thiếu ăn bằng cách huy động lực lượng bộ đội, công an và chính quyền địa phương “đi chợ” cho từng nhà dân.
Cho dù việc đó chưa thật sự hoàn hảo, còn một số trường hợp hàng hóa đến chậm, hoặc thực phẩm không đủ chất lượng do chuỗi cung ứng bị quá tải..., nhưng khi nhận từng túi hàng đưa đến tận cửa nhà, ai cũng nói lời cảm ơn. Và dù không nói ra nhưng họ đều hiểu đó là chủ trương, chính sách của Chính phủ và sự chăm lo của các cấp chính quyền.
Trong khi có rất nhiều người tự nguyện góp công góp sức cùng cả nước chống dịch, thì lại có những người, chỉ vì chưa nhận được đơn hàng đã vội viết lên Facebook với lời lẽ ngoa ngôn, thiếu chính xác. Điều đó phần nào phản ánh một thực tế còn có một vài trường hợp chính quyền cơ sở chưa thực hiện nghiêm túc chủ trương của Chính phủ về chăm lo đời sống nhân dân. Nhưng nhìn chung, qua việc thực hiện “ai ở đâu ở đó”, đa số người dân đã cảm nhận được một cách cụ thể thế nào là “chính quyền vì dân”.
Trong thời kỳ kháng chiến, bộ đội thường đóng quân trong nhà dân nên đã tạo ra tình quân dân thắm thiết. Như lời bài ca: Các anh đi ngày ấy đã lâu rồi, xóm làng tôi còn nhớ mãi..., vì thời đó các anh về là quét dọn đường làng sạch sẽ, cắt tóc, tắm rửa cho các em nhỏ, gánh nước đổ đầy các lu... và tham gia những tối văn nghệ với dân làng. Ngày nay, bộ đội xây dựng chính quy hiện đại, đóng quân trong các doanh trại khang trang nên ít có dịp tiếp xúc trực tiếp với dân, nhất là với cư dân ở thành phố lớn, nên hình ảnh anh bộ đội không còn gần gũi như xưa. Đến thời kỳ chống dịch, “ai ở đâu ở đó”, người dân thành phố bỗng chứng kiến cảnh tượng chưa từng thấy, đó là những anh lính trẻ, nghiêm chỉnh trong bộ quân phục màu xanh nhưng trên tay là những túi lương thực, thực phẩm đi vào từng con hẻm, đưa đến tận cửa nhà dân.
Thật cảm động với cảnh anh bộ đội trẻ măng ngồi bệt trên vỉa hè, lúng túng với những đơn hàng, những túi thực phẩm và chiếc điện thoại, vừa tính tiền vừa tìm địa chỉ... Hình ảnh ấy đã lay động lòng người. Không ai biết tên từng người lính, chỉ biết các anh có tên chung là “Bộ đội Cụ Hồ”, là “Quân đội nhân dân” đang “chống dịch như chống giặc”.
l TS NGUYỄN HỮU NGUYÊN