Khi nhà đài “đụng” bình đẳng giới
VHO- Vẫn còn nhớ, vào trung tuần tháng 11 vừa qua, Bộ LĐ,TB&XH phối hợp với các cơ quan tổ chức lễ phát động Tháng hành động vì bình đẳng giới năm 2021. Sôi nổi hưởng ứng lễ phát động, toàn xã hội đã chung tay vào cuộc để góp phần rút ngắn khoảng cách giới trên tất cả các lĩnh vực. Trong đó, truyền thông được xác định đóng vai trò quan trọng nhất nhằm nâng cao nhận thức, chuyển đổi hành vi, góp phần xóa bỏ định kiến, tiến tới t hực hiện bình đẳng giới thực chất.
Thế nhưng, đâu đó tư tưởng “trọng nam khinh nữ” tưởng đã mờ dần lại ăn vào “thâm căn cố đế” của một bộ phận người dân. Tưởng như những cuộc tuyên truyền mạnh mẽ, sâu rộng đã làm thay đổi cơ bản nhận thức của giới trẻ, những công dân Gen Z toàn cầu…, vậy nhưng nó vẫn luồn lỏi theo những mạch chìm và âm thầm hiện hữu ngay trong đời sống đương đại. “Làn sóng” phản ứng có thể kể đến game show Hành lý tình yêu, phát sóng trên VTV3 cuối tháng 11 vừa qua. Những phát ngôn ngây ngô về văn hóa, phong tục truyền thống Huế của nhân vật chính trong chương trình, một chàng trai 9X đã làm dư luận phẫn nộ, nhất là những người con của mảnh đất Cố đô, những người yêu Huế, yêu văn hóa và con người nơi đây.
Công Hoàng xuất hiện trong chương trình với thông điệp "Chúng ta sẽ ly hôn nếu em không sinh được con trai".
Nhân vật chính “gây bão” bởi những thông điệp nào là phải sinh con trai để nối dõi, nào là ở gia đình anh đàn ông ăn mâm trên còn phụ nữ ăn mâm dưới. Thức ăn của mâm trên và mâm dưới khác nhau. Khi cúng xong thì những của ngon vật lạ phải đưa lên mâm trên, còn mâm dưới gọi là phụ thôi; khi nào mâm trên ăn xong, còn thì đem xuống đưa cho mâm dưới. Những tư tưởng cực đoan của người tự nhận là con trai Huế, dù chỉ được nêu ra trong một chương trình giải trí, đã không nhận được sự đồng thuận của đông đảo người dân xứ Huế nói riêng và cả nước nói chung. Có người bức xúc bày tỏ, “ê kíp làm chương trình này đã xúc phạm đến nhân phẩm người đàn ông Huế. Đã đến lúc những cơ quan đại diện cho người Huế, văn hóa Huế phải lên tiếng, để chấm dứt việc đem văn hóa, con người Huế ra làm trò mua vui, tiêu khiển. Người Huế thời nay không còn những người đàn ông gia trưởng và chủ đề này không được phép truyền thông vì nó đã làm xấu xí con người Huế…”
Như trên đã nói, truyền thông đóng vai trò quan trọng bậc nhất để tiến tới bình đẳng giới một cách thực chất, thì game show của nhà đài này đã đi ngược lại những nỗ lực đó. Sau chương trình, nhiều người cảm thán thốt lên: “Như này thì biết đến bao giờ tư tưởng “trọng nam khinh nữ” mới chấm dứt và Luật Bình đẳng giới mới thực sự đi vào cuộc sống như ước mong của toàn xã hội"? Có lẽ, sẽ là một quá trình rất lâu nữa với sự vào cuộc của các cấp, các ngành, các đoàn thể; đặc biệt là sự chuyển biến tư tưởng của mỗi thành viên trong xã hội về sự cần thiết phải xóa bỏ tư tưởng cổ hủ đã ăn sâu bén rễ và đeo bám suốt bao đời nay.
Bí thư Thành ủy Huế có nói trên trang cá nhân: “Văn hóa là khi chúng ta biết sống, cống hiến cho những điều tốt đẹp!”. Hãy để những điều tốt đẹp luôn hiện hữu trong đời sống xã hội, để người phụ nữ Việt Nam thật sự được bình đẳng với nam giới trong tương lai. Còn người viết vẫn nhớ trước đó không lâu, cũng trong tháng 11, lãnh đạo VTV3 đã có cuộc trao đổi sôi nổi với khách mời về bình đẳng giới. Vậy mà ngay sau đó, bình đẳng lại hóa ra bất bình đẳng như thế này… l
ĐỖ CAO HUYỀN