Khi người lớn không làm gương
VHO- Camera nhà dân ghi lại cảnh một phụ huynh ở Quảng Ngãi đánh học sinh 14 tuổi nhập viện cấp cứu. Theo đó, khoảng 11h30 ngày 8.12, con trai ông Lâm Văn Lượng là Lâm Gia Khiêm, học sinh Trường THCS Thị trấn La Hà vừa chạy xe đạp ra khỏi cổng trường thì bị ông Phan Thượng Mỹ, hiện là công nhân của Điện lực huyện Tư Nghĩa đánh đập. Theo hồ sơ bệnh án của cháu Khiêm tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ngãi, nam học sinh bị sưng đau nhiều vùng đầu, mặt, xây xát ở hai vai do bị đánh, nôn ói.
Sau khi chụp X quang, bác sĩ chẩn đoán cháu Khiêm bị tổn thương nội sọ và chuyển vào điều trị tại Khoa ngoại thần kinh. Mặc dù ông Mỹ đã bị cơ quan đình chỉ công tác, nhưng hành vi này cần được xử lý thích đáng theo quy định của pháp luật.
Đây là hành vi rất côn đồ và phản giáo dục. Một người đàn ông trưởng thành nhưng có hành vi bạo lực đối với học sinh chỉ vì học sinh này mâu thuẫn với con của mình, là cách hành xử thô bạo, thiếu văn hóa, cần phải xử lý nghiêm theo quy định để răn đe, giáo dục. Bởi hành vi này đã trực tiếp xâm hại đến sức khỏe, tinh thần và làm ảnh hưởng đến sự phát triển bình thường học sinh; đồng thời, hành vi này rất phản cảm cần phải được lên án và có biện pháp ngăn ngừa, giảm thiểu, không để tái diễn hành vi tương tự nêu trên.
Trong môi trường giáo dục hiện nay, không ít học sinh bị bạn bè, anh chị lớp trên bắt nạt, dọa dẫm, hành hung… là chuyện thường tình. Mỗi học sinh đều có cách phản ứng khác nhau tùy thuộc vào khả năng, tính cách của từng em. Có em thì mách bố mẹ, có em thì chịu đựng, nhưng có em thì nhờ anh chị lớp trên can thiệp, giúp đỡ… Đây cũng là cách để các em tích lũy kinh nghiệm trong cuộc sống và trưởng thành hơn. Phụ huynh phải lưu ý rằng, việc mâu thuẫn, xích mích giữa học sinh trong nhà trường là không thể tránh khỏi, vì vậy cần phải giáo dục, hướng dẫn để các em tự biết cách giải quyết mâu thuẫn, xích mích của mình mới là cách giải quyết vấn đề tốt nhất. Phụ huynh bảo vệ con bằng cách dọa dẫm, bắt nạt, hành hung gây thương tích đối với bạn học của con là hành vi rất đáng trách, không chỉ làm cho con ngày càng lệ thuộc vào mình mà còn làm cho con nhận thức lệch lạc về cách giải quyết mâu thuẫn, xích mích của bản thân.
Chính vì vậy, phụ huynh phải thường xuyên quan tâm, nói chuyện với con nhiều hơn để nắm bắt tình hình học tập, biết rõ các mối quan hệ của con và nghe con tâm sự về cách ứng xử để định hướng phù hợp. Nếu biết con mình bị bắt nạt ở trường thì không nên nóng vội, phải tìm hiểu rõ thực hư sự việc, xác định đúng sai để có hướng xử lý. Nếu con của mình sai thì phải nhẹ nhàng phân tích để các cháu hiểu đúng vấn đề, tránh xảy ra sai lầm, khuyết điểm.
Trường hợp con của mình vô cớ bị đánh đập, bắt nạt… thì trước hết phải thông tin ngay với giáo viên chủ nhiệm, phối hợp với nhà trường để xử lý vụ việc. Quá trình giải quyết vụ việc phải hết sức tế nhị, không ồn ào, phân tích rõ cho các em biết hành vi sai trái và tự giác khắc phục. Cha mẹ không nên bảo vệ con cái một cách thái quá, không nên dùng bạo lực để bảo vệ con, việc này có thể tạo ra hành vi bạo lực cho chính đứa con của mình.
ĐỖ VĂN NHÂN