Khi người có tài đặc biệt...
VH- Gần đây, nhiều địa phương trong đó có thành phố Hồ Chí Minh công bố chính sách chiêu hiền, đãi sĩ làm nức lòng người trong và ngoài nước. Nức lòng bởi, theo kinh nghiệm lịch sử, thời thái bình thịnh trị là thời đãi sĩ chiêu hiền.
Dẫu là thời phong kiến lạc hậu hay thời hiện đại văn minh thì hiền tài luôn là nguyên khí quốc gia.
Muốn “văn trị giáo hóa” thì phải có nhiều người hiền tài làm trong bộ máy nhà nước mới thực hiện được. Nếu không, dù chính sách có tốt đến đâu, có tiến bộ đến mấy cũng khó lòng thực hiện. Dân có sức mạnh đẩy thuyền lên và cũng có sức mạnh lật thuyền chìm xuống. Người hiền tài trong bộ máy nhà nước chính là người biết hướng sức mạnh của dân vào việc đẩy thuyền lên, làm cho đất nước mạnh giàu, nhân dân sung sướng, hạnh phúc.
Đạo lý của sự tồn vong, hưng thịnh nằm ở đó. Vấn đề là làm thế nào để thu hút được hiền tài, và đặc biệt là làm thế nào để “dụng được nhân tài”. Thu hút nhân tài đã có nhiều địa phương, nhiều lần chúng ta làm, nhưng có vẻ hiệu quả chưa cao. Có nơi thu hút được, nhưng sau đó nhân tài cứ dần bỏ đi. Có nơi không bỏ đi nhưng nhân tài hình như chưa thấy bộc lộ điều gì đặc biệt có hiệu quả để được đánh giá là tài. Vấn đề có thể phải xem xét từ hai phía: người tuyển dụng nhân tài và nhân tài.
Người tuyển dụng nhân tài trước nay vẫn thiên về việc quan tâm đến yếu tố vật chất để thu hút mà chưa có chương trình dài hơi về dung nạp, bồi dưỡng và sử dụng nhân tài. Người tài và nhất là người hiền tài yếu tố vật chất thường là phụ, nếu không muốn nói vốn là “trọng nghĩa, khinh tài (tiền)”. Họ yêu cầu được trọng dụng hơn là cho tiền, đãi nhà. Họ muốn được thể hiện ý chí, ý tưởng sáng tạo hơn người, thậm chí khác người, chứ không thích được cho ăn ngon, mặc đẹp kèm sự sai khiến, áp đặt. Người ta bảo “có tài, có tật” suy cho cùng là “cái tật” không thích làm cây cảnh trong vườn nhân tài của các ông chủ. Người hiền tài là người ham cống hiến, cống hiến cho quốc gia, dân tộc, cống hiến cho nhân loại. Nếu nhìn nhận người hiền tài như vậy thì việc bố trí người phụ trách việc dung nạp, bồi dưỡng và sử dụng nhân tài dứt khoát phải là người có tầm nhìn như thế. Có nghĩa, chí ít cũng phải là người có đức độ bao dung, hiểu biết và đặc biệt là không đố kỵ, tham lam, giả dối! Ấy là phía người cầu hiền tài.
Còn về phía nhân tài thì sao? Người có tài là người học rộng, hiểu sâu và có khả năng sáng tạo trong công việc. Tuy nhiên, người hiền tài lại phải có đức khiêm tốn, chí bền bỉ, một lòng cống hiến, không tham vật chất, danh vọng hão huyền. Có như vậy mới đủ kiên trì nghiên cứu, thử nghiệm, chờ thời cơ hoặc chủ động tạo thời cơ để bộc lộ tài năng. Người hiền tài “thắng không kiêu, bại không nản”, không ngại khó khăn gian khổ, tìm niềm vui trong sáng tạo, đam mê công việc và biết hợp tác cùng người khác làm cho công việc thành công lớn hơn. Với những người trẻ tuổi, học giỏi, có bằng cấp cao được tuyển dụng như một nhân tài thì không được tự thỏa mãn coi mình là người tài, mà nên khiêm tốn học hỏi nhiều hơn trong trường đời, trong công việc, bởi học giỏi bằng cấp cao mới chỉ là “điều kiện” trở thành nhân tài mà thôi! Nếu đôi bên cùng có chung một cách nhìn, cách nghĩ và cách làm như vậy, ngõ hầu nhân tài mới được nảy nở. Nhân tài là của hiếm! Trong một nước, trong một địa phương có độ mươi nhân tài lưu danh thiên cổ đã là phước lắm rồi.
Còn cầu cho có chừng dăm bảy ngàn người biết việc, thạo việc và được bố trí đúng việc cũng là góp phần cho dân giàu nước mạnh rồi. Chúng tôi nhấn mạnh hiền tài, chứ không chỉ có “tài suông” vì “chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài”. Chúng tôi hiểu thành phố Hồ Chí Minh nói đến những người đặc biệt tài, chính là những người hiền tài vậy! Những người có đóng góp lớn, thiết thực cho quốc kế dân sinh mà vẫn mong muốn đóng góp nhiều hơn nữa, chứ không chỉ muốn nhận một khoản vật chất ưu đãi nào đó. Chuyện chọn người tài muôn thuở vẫn là chuyện của thời thịnh trị!
TS NGUYỄN VIẾT CHỨC