Khi chúng ta cần sân khấu
VHO- Ngày 19.5 vừa qua, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Ngọc Thiện đã có buổi làm việc với các đơn vị nghệ thuật thuộc Bộ để bàn những giải pháp tháo gỡ khó khăn.
Nhiều giải pháp được đưa ra, trong đó nhấn mạnh đến những hành động cụ thể, xuất phát từ chính các đơn vị nghệ thuật như cần có tư duy kinh tế trong tổ chức và quản lý nghệ thuật, nâng cao chất lượng của các chương trình nghệ thuật, chủ động phát triển khán giả... Hoạt động này càng có ý nghĩa hơn trong Ngày sinh nhật Bác, để hiện thực hóa câu nói của Bác: “Văn hóa soi đường quốc dân đi”, “Văn hoá - nghệ thuật là một mặt trận,
anh chị em văn nghệ sĩ là những chiến sĩ trên mặt trận ấy”, để văn hoá - nghệ thuật trở thành một nguồn lực, sức mạnh đưa đất nước ra khỏi khó khăn do dịch bệnh Covid-19 gây ra.
Đây là một giai đoạn đầy khó khăn đối với đất nước, trong đó các đơn vị nghệ thuật sân khấu cũng không phải là ngoại lệ. Người dân có lẽ còn bối rối khi cơn dịch bệnh ập đến làm đảo lộn cuộc sống, khiến cho những thói quen hằng ngày, trong đó có những thói quen liên quan đến văn hoá - nghệ thuật phải thay đổi một cách miễn cưỡng. Các đơn vị nghệ thuật sân khấu là lĩnh vực chịu ảnh hưởng đầu tiên, và theo quy luật thường phục hồi cuối cùng sau những cuộc khủng hoảng như vừa qua. Tuy nhiên, đây không phải là mong muốn của bất kỳ một nghệ sĩ, nhà quản lý nghệ thuật nào. Chúng ta luôn mong luôn sân khấu nhanh chóng trở lại sáng đèn, lại là “thánh đường nghệ thuật” thu hút sự mong chờ của rất nhiều khán giả.
Để thực hiện được những kỳ vọng đó, chắc chắn chúng ta sẽ có rất nhiều việc phải làm. Sân khấu online như thời gian vừa qua chỉ là giải pháp mang tính tình thế để nuôi dưỡng khán giả trong một giai đoạn đặc biệt. Chúng ta cần có nhiều hơn nữa những tác phẩm nghệ thuật chất lượng cao, mang hơi thở của cuộc sống, đáp ứng nhu cầu, thị hiếu của khán giả; công tác truyền thông cũng phải thực hiện tốt hơn để những vở diễn có thể đến được với mọi người quan tâm; các nhà hát cũng cần có những biện pháp xây dựng thương hiệu của mình qua tác phẩm, nghệ sĩ, các hoạt động xã hội...; hoạt động phát triển khán giả phải được xem là trọng tâm trong một nền kinh tế lấy khách hàng là thượng đế, và nghệ thuật cũng không nằm ngoài quy luật chung của nền kinh tế thị trường cho dùchúng ta vẫn cần đề cao những lôgic riêng cho lĩnh vực nhạy cảm này; hay những giải pháp để tích hợp thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư tạo lợi thế cho nghệ thuật sân khấu, giải pháp huy động nguồn lực, đặc biệt là nguồn lực xã hội cho phát triển nghệ thuật sân khấu... cũng phải được bàn tính đến.
Sân khấu là một loại hình nghệ thuật đặc biệt, không chỉ đơn thuần là một loại hình giải trí mà còn phản ánh xã hội theo cách riêng của mình, hoàn thiện phẩm chất con người bằng cách hướng con người đến những giá trị chân - thiện - mỹ. Chính vì thế, sau mỗi khó khăn, khi đất nước trở lại cuộc sống bình thường, hoạt động sân khấu phát triển sẽ như một liều thuốc tinh thần, truyền cảm hứng cho công chúng có thêm những động lực mới trong cuộc sống. Chúng ta cần sân khấu; Sân khấu cần chúng ta. Và vì vậy, mọi sự hỗ trợ cho sự phát triển sân khấu sẽ phục vụ mục đích phát triển đất nước phồn vinh và bền vững.
PGS.TS BÙI HOÀI SƠN