Khi bảo tàng vẫn chưa thay đổi

VHO- Bộ VHTTDL vừa có văn bản gửi Bộ, ngành và UBND các tỉnh, thành phố trong đó đưa ra một số định hướng quan trọng để khắc phục một số tồn tại, bất cập như nội dung trưng bày chưa thực sự được quan tâm, chú ý đầu tư; nhiều sưu tập hiện vật có giá trị về lịch sử, văn hóa, khoa học vẫn chưa được khai thác, phát huy để đến được với đông đảo công chúng; nhiều bảo tàng còn vắng khách tham quan...

Khi bao tang van chua thay doi - Anh 1

Ảnh minh hoạ

 Có thể nói, văn bản của Bộ VHTTDL đã bắt trúng “bệnh” hoạt động của nhiều bảo tàng hiện nay, đồng thời “kê đơn” nhằm đưa thiết chế văn hoá quan trọng này có được sức sống mới...

Lâu nay dư luận vẫn luôn day dứt với vấn đề, “vì sao nhiều bảo tàng ở nước ta lại rơi vào cảnh đìu hiu, mỗi năm chỉ đón được vài ba trăm khách?”. Thực tế đó ẩn chứa nhiều nguyên nhân khách quan, nhưng tự bản thân mỗi bảo tàng cũng cần đưa ra câu trả lời theo hướng cầu thị “tiên trách kỷ hậu trách nhân”. Trong rất nhiều hội thảo, những chuyên gia về bảo tàng đã thẳng thắn nói rằng, nếu những cán bộ, nhân viên ở đó không chịu thay đổi tư duy, khư khư “suy nghĩ bao cấp” như cách đây hai ba thập kỷ, thiếu sáng kiến, cách thức “mời chào” người dân, du khách… thì ai còn muốn đến bảo tàng.

Cách đây không lâu người viết có dịp ngồi lại với một nguyên giám đốc bảo tàng ở một tỉnh khu vực Bắc Bộ khi ông vừa cầm “sổ hưu”. Bảo tàng mà ông giữ vị trí giám đốc trong một thời gian khá lâu được xem là bảo tàng lớn của vùng, trong đó chứa đựng hàng trăm ngàn cổ vật, hiện vật và tài liệu rất có giá trị. Nhiều bảo tàng khác nhìn vào kho hiện vật ấy phải mơ ước, “thèm thuồng”. Vị trí toạ lạc bảo tàng nằm ở một địa điểm không thể thuận lợi hơn. Duy chỉ có điều cái “vỏ” bảo tàng là đồ phải “xài lại” của một đơn vị khác. Hỏi ông, “bao nhiêu thuận lợi là thế sao bảo tàng mình vẫn chưa phải là địa chỉ hút khách tham quan bao gồm cả người dân địa phương lẫn du khách?”, ông cười buồn: “Cũng biết là thế nhưng khó lắm. Khó ở đây không phải không có khách tham quan mà chính do cách làm của mình. Một thời gian khá dài không được đi đâu để học hỏi cách làm, còn anh em cán bộ, nhân viên thì thụ động, tặc lưỡi cho qua. Lỗi trước hết cũng từ mình mà ra”.

Ông giải thích thêm, giá như hồi ấy được cơ quan chức năng, chính quyền tỉnh cho đi đây đi đó để học hỏi cách làm, đổi mới mô hình hoạt động, rồi dùng “chiêu này” “thước nọ” để tạo thành cục nam châm hút khách thì bảo tàng chẳng đến nỗi “vắng như chùa bà Đanh”. Anh em cán bộ nhân viên bảo tàng cũng đừng quá thụ động, cũng đừng quá nặng trĩu suy nghĩ “bảo tàng cuối cùng cũng là cái kho bảo quản hiện vật thôi mà” thì bảo tàng chẳng đến nỗi hoạt động cầm chừng như thế. Đó là về phần mình, lỗi của mình.

Còn yếu tố khách quan thì sao, ông chẳng ngần ngại trả lời: “Ở đâu mà lãnh đạo tỉnh quan tâm đến văn hoá trong đó có hoạt động bảo tàng thì ở đó hoạt động sẽ rất sôi nổi, hiệu quả, góp phần tạo nên sự phát triển kinh tế, xã hội. Còn bằng không thì nó cũng lẹt đẹt thế thôi. Đã năm lần bảy lượt đề xuất cải tạo bảo tàng để công việc trưng bày thật sự khoa học, hấp dẫn..., nhưng đều bị lãnh đạo tỉnh từ chối với lý do chưa thật sự cần thiết. Mình thấy bị lép vế quá so với nhiều ngành khác. Thế nên anh em đâm ra chán nản đành để bảo tàng hoạt động cầm chừng như thế này cũng được rồi”.

Kể ra như vậy để thấy rằng, trong bối cảnh hiện nay nếu những người làm bảo tàng không tự thay đổi, thích ứng kịp với đòi hỏi của xã hội, nhu cầu thiết thực của người dân và du khách cộng với sự hỗ trợ kịp thời của cấp có thẩm quyền thì sẽ phải trả giá. Cái giá đó như thế nào thì những người làm công tác bảo tàng nắm rõ hơn ai hết. 

NGUYỄN THANH SƯƠNG

Ý kiến bạn đọc