Hỡi người lớn!
VH-Xưa nay người ta nguyền rủa kẻ bán linh hồn cho quỷ như là kẻ xấu xa, tồi tệ và điên rồ nhất!
Vậy mà mấy ngày gần đây cả nước đang phải hướng lên phần địa đầu Tổ quốc để truy tìm xem kẻ nào rắp tâm bán linh hồn con trẻ cho quỷ dữ. Bán linh hồn mình cho quỷ đã là tệ hại lắm rồi. Bán sự trong sáng, hồn nhiên với tương lai tươi sáng của con trẻ thì không thể chấp nhận được.
Có tờ báo đăng bài với tiêu đề: Bí thư Hà Giang: “Tôi thấy buồn khi con gái bị sửa điểm thi”. Tôi chia sẻ với ông. Con ông học trường chuyên, chẳng cần sửa điểm cháu cũng đạt 21,5 điểm. Với kết quả ấy chắc chắn cháu đỗ đại học. Và điều quan trọng hơn là cháu không bị tổn thương. Cháu trong sáng, hồn nhiên, tự tin về một tương lai tươi sáng. Nhưng… bây giờ cháu có thể hồn nhiên được nữa không? Cháu có thể vượt qua mặc cảm này không? Tội của người lớn thật không tha thứ được. Và với điều tồi tệ bỗng dưng đổ xuống đầu con mình, ông Bí thư buồn còn là kiềm chế.
Với tình cảm người cha, ông có thể nổi khùng cũng không ai dám trách cứ. Tôi tin ông không chỉ đạo nâng điểm cho con mình! Niềm tin này có cơ sở khi tôi ấn tượng và nhớ mãi ý kiến của ông Tráng A Pao, cố Bí thư Tỉnh ủy Lào Cai, cố Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội. Là người dân tộc, ông đã nói thẳng: “Tôi đề nghị không ưu tiên điểm cho con em chúng tôi vào đại học, mà cần tạo điều kiện học thật tốt, có thể phải học lại, học đúp nhưng thi cho kỳ được. Có như thế miền núi mới đuổi kịp được miền xuôi”.
Lời nói thẳng, dung dị, mà hết sức đúng đắn, hết sức sâu xa. Những cán bộ người dân tộc thường có cách nhìn thẳng thắn và trung thực. Tôi tin ông Bí thư với tư cách là người đứng đầu, đồng thời cũng là người bị hại sẽ chỉ đạo làm sáng tỏ vấn đề, tìm cho ra kẻ đã nâng điểm cho con mình và cho các thí sinh khác để trừng trị thích đáng theo pháp luật.
Riêng trường hợp kẻ nâng điểm cho con ông Bí thư phải xem kỹ cả động cơ của việc làm để có tình tiết tăng nặng khi luận tội. Nâng điểm cho con cấp trên để mua chuộc, để hối lộ (đã có hối lộ bằng tiền, bằng tình và… không loại trừ hối lộ bằng điểm). Cũng có thể, nâng điểm cho con để hại bố... Tất cả những giả thiết này đặt ra theo logic: Nâng điểm không chỉ là hành vi trái pháp luật mà còn là tội ác đối với con trẻ, là đổi trắng thay đen, trái đạo lý làm người trong ngành giáo dục. Đây là hồi chuông cảnh tỉnh đối với giáo dục nước nhà. Tệ bằng giả, học vị, học hàm với danh hão không có tài và tri thức đích thực đang góp phần làm băng hoại đạo đức xã hội (của người lớn), nay lại “truyền nhiễm sang con trẻ” thì thật đáng báo động đỏ. Tương lai đất nước sẽ ra sao khi người lớn không ít người đã tự bán mình cho quỷ, nay lại muốn đem con trẻ ra bán thì tội chồng chất tội.
Tôi nghĩ, tội của những người đó chắc chắn sẽ được các cơ quan tư pháp định danh và tuyên án nghiêm khắc. Nhưng các cháu thì sao? Các cháu không có tội. Kể cả các cháu có điểm rất thấp. Học chưa giỏi, thi chưa đỗ không phải là tội lỗi. Còn với các cháu có điểm thi tốt, bị người lớn nâng điểm cho “cao ngất” thì lỗi càng không phải của cháu, nhưng tổn hại đến với cháu lại vô cùng lớn. Người lớn phải có trách nhiệm bồi thường cho các cháu cả vật chất và tinh thần để cháu có thể vượt qua khổ nạn này.
Bây giờ nhìn lại sự việc, những người trót làm việc sai trái này có thể bàng hoàng vì trước đó có thể không nghĩ nó lại nghiêm trọng đến như thế. Xin thưa những ai đã sai và những ai còn làm trong ngành giáo dục hãy nhớ câu nói như chân lý của nhà giáo dục nổi tiếng Ma-ka-ren-ko: “Sự nghiệp giáo dục sụp đổ khi pha chút giả dối”. Đời sống thực tiễn ngày hôm nay cho thấy: Giả dối làm xã hội suy vi. Những người góp phần cho giả dối trong giáo dục tăng thêm phải bị trị tội. Tham tiền, tham danh hão cũng là giả dối.
Đổi mới căn bản và toàn diện không phải là đổi hình thức thi (tự luận hay trắc nghiệm), cũng không phải bắt đầu từ viết sách giáo khoa, nó phải bắt đầu từ triết lý đào tạo con người, học để làm người. Hãy tạo điều kiện tốt nhất cho con trẻ được học, được sống theo đúng năng lực và phẩm chất của chúng. Hãy để cho chúng trong sáng như vốn có. Hỡi người lớn! Nếu chưa đắc đạo để làm gương cho con trẻ thì hãy để cho chúng được yên, được sống, học tập và vào đời theo quy luật phát triển tự nhiên của con người!
TS NGUYỄN VIẾT CHỨC