Hạn chế hành vi phản cảm trên phim
VHO- Hiện nay, tình trạng sử dụng hình ảnh nhân vật có hành vi phản cảm, vi phạm pháp luật diễn ra phổ biến trong các bộ phim, đặc biệt là phim nhập khẩu đã ảnh hưởng rất lớn đến ý thức và tâm lý người xem.
Các hành vi phản cảm, vi phạm pháp luật thường thấy, đó là các nhân vật trong phim thường sử dụng thuốc lá, sử dụng các hung khí, vũ khí trong các pha hành động, điều khiển mô tô, xe máy không đội mũ bảo hiểm, chạy quá tốc độ hoặc chống người thi hành công vụ.
Điều đáng nói là các hành vi phản cảm, vi phạm pháp luật này không được lên án và xử lý thích đáng mà khi xây dựng nhân vật có hành vi phản cảm, vi phạm pháp luật như vậy lại được xem là anh hùng, quân tử, thần tượng và thường là vai chính của các bộ phim.
Nhiều bộ phim hành động có cảnh tàn sát, chém giết hết sức dã man khiến người xem phải rùng mình, ghê sợ. Đối với trẻ em khi mà tâm sinh lý chưa phát triển đầy đủ thì khi xem những bộ phim có hành vi phản cảm, vi phạm pháp luật sẽ ảnh hưởng rất lớn đến việc hình thành nhân cách của bản thân. Vấn đề này có thể lý giải một phần về tình trạng thanh thiếu niên hư, có các hành vi bạo lực, vi phạm pháp luật phổ biến như gây rối trật tự công cộng, hút thuốc lá, sử dụng ma túy từ rất sớm, đặc biệt là những vụ giết người đặc biệt nghiêm trọng làm chấn động dư luận trong thời gian qua.
Sản xuất phim là để phục vụ nhu cầu của khán giả, là “món ăn” tinh thần không thể thiếu hiện nay. Tùy vào nhu cầu của từng đối tượng, lứa tuổi mà các nhà biên kịch, đạo diễn và sản xuất làm ra những bộ phim với thể loại chính trị xã hội, tình yêu, hôn nhân và gia đình hoặc phản ánh lịch sử và nhiều bộ phim có tính thần thoại, viễn tưởng... Thể loại nào cũng đều thể hiện nhiều khía cạnh khác nhau liên quan đến nhiều nội dung, sự kiện và lột tả tính cách nhân vật sao cho đầy đủ, sinh động nhất mà bất chấp để thể hiện nhân vật có các hành vi phản cảm, vi phạm pháp luật làm ảnh hưởng tâm lý người xem, đặc biệt là ảnh hưởng đến nhân cách, tâm sinh lý của đối tượng là trẻ em.
Ví dụ như các cảnh hành động trong phim, nhân vật có sử dụng súng là có hành vi tàng trữ vũ khí quân dụng; điều khiển mô tô, xe gắn máy nhưng không đội mũ bảo hiểm là vi phạm pháp luật giao thông đường bộ; hành vi chống đối, hành hung cán bộ, công chức nhà nước là hành vi chống người thi hành công vụ... Mặc dù không ai cấm việc xây dựng tính cách nhân vật có hành vi vi phạm pháp luật như vậy để làm nên sức sống của bộ phim nhưng các hành vi vi phạm pháp luật như vậy trong phim thường không được các nhà biên kịch, đạo diễn quan tâm thể hiện các biện pháp xử lý đến nơi đến chốn theo quy định pháp luật. Chính vì vậy, đã phần nào tác động đến việc thực thi pháp luật, ý thức chấp hành pháp luật của người dân thông qua việc thụ hưởng các sản phẩm văn hóa với thể loại phim ảnh hiện nay.
Thiết nghĩ, các cơ quan chức năng cần phải có biện pháp quản lý đối với các nhà sản xuất phim ở nước ta, đảm bảo các bộ phim sản xuất để phục vụ công chúng ngoài tính giải trí, nhân văn của tác phẩm mà còn thông qua đó góp phần giáo dục ý thức chấp hành pháp luật của mọi người dân. Hạn chế việc sản xuất hoặc nhập khẩu các bộ phim có tính bạo lực, dung tục, đồi trụy... có chứa những nội dung đi ngược lại với truyền thống, đạo đức và pháp luật của Việt Nam.
ĐỖ VĂN NHÂN