Giật mình... về sự hoành tráng

VHO- Có dịp đi đây đó, bên cạnh chứng kiến sự thay đổi khởi sắc của các làng quê và phố thị, người ta không khỏi giật mình vì thấy nhiều “thành phố âm ty” mà trước nay chưa từng thấy, và không thể nói đó là điều mừng mà để lại nhiều băn khoăn, suy nghĩ.

Đã trải qua biết bao thế hệ, bên cạnh sự bồi đắp cho ruộng đồng làng mạc đền đài, ở ta còn để lại nhiều khu mộ địa. Mỗi làng quê nhỏ không thể vắng một khu mộ địa. Với mỗi người, mỗi gia đình, nơi tổ tiên, ông bà nằm xuống luôn là thiêng liêng.

 Thuở xưa, người dân đều quá khó khăn, các khu mộ địa thường nằm ở các khu sườn đồi, đồng bãi, không có xây dựng trang hoàng gì, và mộ thường chỉ được đắp đất, không có cả một tấm bia. Như mẹ Tơm của Tố Hữu: Ôi bóng người xưa đã khuất rồi/Tròn đôi nấm đất trắng chân đồi. Trải qua bao nhiêu đời, bao năm tháng, những ngôi mộ đất như vậy vẫn trơ gan cùng tuế nguyệt. Hơn một chút, có khu mộ địa rộng lớn đôi khi chỉ năm bảy ngôi mộ được xây dựng đàng hoàng, có dựng bia mộ. Khu mộ địa xưa cũng không có hàng lối, nơi vắng vẻ khiến trâu bò giẫm đạp, không khỏi buồn lòng người còn sống.

Nhưng sự thể ngày nay đã khác. Tại nhiều nơi người ta có các công ty đầu tư “công viên nghĩa trang”, ở đó có đường đi lối lại, có trồng cây hoa mát mẻ, dễ chịu, đương nhiên những người đưa vào mai táng phải trả số tiền ít nhiều nhất định. Nếu không làm nổi như vậy thì chí ít các làng quê cũng có quy hoạch nghĩa trang, không để chôn cất tùy tiện, tình hình có tốt hơn trước. Đời sống cải thiện, phần nhiều gia đình mai táng có người mất bèn xây luôn mộ.

Nhưng cái mà tôi muốn nói chính là những nghĩa địa cũ bỗng dưng “hóa thân” thành một “thành phố âm ty”. Mộ cũ “tích lũy” khá lớn, những người làm ăn khấm khá, bây giờ quay về trả nghĩa tổ tiên, xây lại mộ phần cho khang trang đẹp đẽ, đó là điều hay. Cái đáng băn khoăn là những ngôi mộ mọc lên to lớn đồ sộ, cũng bê-tông cốt thép, cũng dán đá đổ mê lợp ngói, to rộng đến mức không thể tưởng tượng. Người làm sau cố xây dựng cho to hơn, láng bóng hơn người trước, trở thành một thứ “thi đua”. Không chỉ mộ cũ, với trường hợp mộ mới gia tăng thêm trong nghĩa địa, người ta cũng làm như vậy. Liệu có cần thiết để dồn công sức tiền bạc như vậy không, trong khi người mất chắc chắn không cần, mà chỉ cần có ngôi mộ sạch sẽ chỉn chu là đủ. Mà ở “thành phố âm ty”, các bậc khuất mặt khi gặp nhau còn khoe khoang nhau “nhà” ai to hơn chăng? Cái ấy chỉ có trong tư duy của người sống.

Nước ta có diện tích tự nhiên khiêm tốn, có số dân đông, mật độ dân số dày hàng đầu thế giới. Thế nên không gian sống, sản xuất cũng như mộ địa phải tính toán thật kỹ lưỡng. Một điều còn băn khoăn hơn đó là các phần mộ chiếm phần diện tích lớn. Nếu đã là mộ thuộc về “lịch sử” thì không kể, những ngôi mộ mới lại cũng có diện tích quá lớn, nếu không được hạn định. Mỗi ngôi mộ có diện tích lớn sẽ làm “phình to” nghĩa địa, lấn vào không gian sống. Sẽ như thế nào nếu ta tới một làng quê mà phần nghĩa địa chiếm quá nhiều diện tích?

Sở dĩ tôi nêu câu hỏi này là bởi đã chứng kiến ngay ở đảo Lý Sơn với diện tích chưa tới 10 km2, dân số trên 22.000 người chen chúc, nhưng lại có những khu mộ địa lớn, có khi chiếm cả một sườn đồi cao. Người mất được “bổ sung”, khu mộ đương nhiên mỗi ngày một phình to, nếu như không có giải pháp ắt hẳn đến Lý Sơn đi đâu cũng thấy mộ, cả một “thành phố âm ty”. Cách nay mấy năm, Lý Sơn có bước thử nghiệm, lấy cốt người mất đã lâu, đặt vào các chậu thau và đốt, rồi đem đi cải táng. Không biết thử nghiệm này kết quả thế nào mà không thấy tiếp tục. Có lẽ các phần mộ thuộc về “lịch sử” thì nên gác lại, cái trước mắt và về sau là làm sao các mộ địa mới đường hoàng mà tiết kiệm được đất, không phô trương lãng phí để dành phần lại cho con cháu đời sau. Chớ nên biến cõi âm ty thành “thành phố”. 

CAO CHƯ

 

 

Ý kiến bạn đọc