“Giang hồ mạng” , trách nhiệm của mỗi chúng ta

VHO- Những ngày gần đây, trên các mạng xã hội xôn xao về những nhân vật được gọi là “giang hồ mạng” và có thể kể hàng loạt tên tuổi đình đám… thu hút rất nhiều sự quan tâm của cộng đồng mạng, thậm chí cả trên các phương tiện truyền thông. Nhiều người đã lo ngại rằng các hiện tượng “giang hồ mạng” không được kiểm soát sẽ tạo ra sự lây lan, ảnh hưởng tiêu cực đến sự lành mạnh của đời sống xã hội, đặc biệt là với giới trẻ.

“Giang hồ mạng” , trách nhiệm của mỗi chúng ta - Anh 1

Khá 'bảnh' tại trụ sở cơ quan công an

 Có thể nói, sự phát triển mạnh mẽ của mạng Internet tạo ra nhiều cơ hội hơn cho các nhóm xã hội, chỉ cần một chiếc smartphone hoặc một thiết bị có thể kết nối Internet, mỗi cá nhân đều có thể tham gia vào một không gian xã hội rất đặc biệt mà chúng ta hay gọi là không gian ảo, hay xã hội ảo.

Cái xã hội ảo đó không giới hạn bất cứ thành phần xã hội nào tham gia, và giới giang hồ, giờ đây cũng có thể lên mạng, tham gia vào không gian xã hội ảo đó, cất lên tiếng nói của mình.

Việc tham gia của tầng lớp giang hồ, không chỉ có thế, còn thu hút được sự hiếu kỳ của công chúng, đặc biệt của giới trẻ. Sự thu hút và quan tâm ấy, có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân, như đơn giản chỉ là sự tò mò hiếu kỳ về đời sống của một tầng lớp xã hội trước đây không phải ai cũng dễ được tiếp cận (và dám tiếp cận), hoặc cũng có thể là do những hành động nghĩa hiệp, tính cách đại ca, nổi loạn, phá bỏ các chuẩn mực vốn lại thường được lứa tuổi trẻ ưa thích.

Lượng người xem cao lại tạo ra một hiệu ứng khác, chính là nguồn thu nhập rất lớn được đem lại cho chủ nhân của nó. Trước lợi ích kinh tế nhiều như vậy, giới giang hồ mạng vốn chỉ quen đánh đấm, đã chủ động dàn dựng, thậm chí viết kịch bản, dựng phim ngắn nhằm mục đích kiếm tiền online. Chưa dừng ở đó, để nhằm thu hút lượng người theo dõi ngày càng nhiều hơn, cái nhóm xã hội vốn bị coi là ít học giờ đã biết cách đánh bóng hình ảnh, tạo tên tuổi, gây dựng thương hiệu bằng các chiêu trò khác người, thậm chí còn đi làm từ thiện, đóng vai hiệp sĩ bảo vệ lẽ phải chống lại… cái ác.

Nên hiểu thế nào khi Khá Bảnh lúc trước lên mạng khuyên nhủ đàn em không đánh bạc lại bị bắt vì tội tổ chức đánh bạc, hay Dương Minh Tuyền, một dân anh chị nổi lên nhờ đánh đấm lại đi bênh vực, hỗ trợ tiền cho một em học sinh là nạn nhân của bạo lực học đường. Hiện tượng này, như những hạt cây độc, lại càng dễ dàng nẩy mầm, nhân giống trên mảnh đất mà ở đó, trẻ em, học sinh được sử dụng thiết bị di động, lên mạng thiếu sự kiểm soát của người lớn. Ai có thể đảm bảo rằng, những sự lệch lạc, lối sống giang hồ đánh đấm đó liệu một lúc nào đó lại trở thành trào lưu xã hội, đặc biệt trong giới trẻ.

Internet, mạng xã hội đã tạo nhiều thay đổi trong đời sống kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội cả theo chiều hướng tích cực lẫn tiêu cực. Công nghệ vốn chỉ là phương tiện, công cụ, việc sử dụng thế nào cho tốt lại tùy thuộc vào mỗi xã hội, mỗi cộng đồng, mỗi gia đình và từng cá nhân.

Ngay lúc này đây, cần gióng lên một hồi chuông báo động, để xã hội, từng cộng đồng, mỗi gia đình cho tới từng cá nhân đều có trách nhiệm ngăn chặn sự lây lan của những hành vi lệch lạc, đồng thời khuyến khích, cổ xúy cho những điều tốt đẹp không chỉ trong đời sống thực mà cả trên không gian mạng. Sự phát triển, lan tỏa mạnh mẽ của những điều tốt đẹp mới là vũ khí hữu hiệu nhất để ngăn chặn, đầy lùi đi những điều xấu xa, lệch lạc. Một không gian mạng, một xã hội ảo có lành mạnh hay không là quyết định bởi chính chúng ta. 

THS NGUYỄN LÂM TUẤN ANH (Viện VHNT quốc gia)

Ý kiến bạn đọc