Gia đình thánh thiện
Phật dạy: Phật có trong mỗi con người. Trong tác phẩm nổi tiếng Truyện Kiều, Nguyễn Du cũng khuyến cáo rằng: Thiện căn là ở lòng ta. Vậy mà, ngày nay không ít người vất vả chạy đôn chạy đáo, nay chùa này, mai đền phủ khác để cầu may, cầu lợi; để thể hiện thành tâm, thiện ý mà quên mất nơi thánh thiện vào bậc nhất ấy là: Gia Đình.
Dân gian vẫn truyền tụng rằng: Thứ nhất tu tại gia, thứ hai tu chợ, thứ ba tu chùa. Tu dưỡng ngay trong mái nhà của mình, thành tâm thiện ý trước tiên với những người thân thiết nhất trong gia đình mình phải chăng là thước đo trung thực và thuận lợi nhất cho sự minh giám!
Các nhà nho xưa cho rằng: Tiền trị gia, hậu trị quốc. Sức mạnh trường tồn Việt Nam được nhiều nhà nghiên cứu khẳng định nằm ở cái trục Nhà – Làng – Nước. Một trong những lãnh tụ kiệt xuất của Đông Nam Á là cố Thủ tướng Lý Quang Diệu cũng khẳng định: Gia đình là một giá trị đặc biệt được tôn thờ ở Singapore. Các nhà khoa học với thuật ngữ hiện đại: gia đình là tế bào của xã hội với ý nghĩa rằng tế bào ấy phát triển tốt xã hội mới tốt được, ngược lại phát triển không bình thường thì xã hội cũng không thể bình thường được. Xem vậy đủ thấy vai trò vô cùng quan trọng của gia đình.
Cuộc sống thay đổi, quan niệm về gia đình có thay đổi, nhưng cái gốc không thể đổi thay. Tiếc rằng, xã hội ngày nay thường phải đón nhận những thông tin cực sốc về loạn luân, về sự tàn nhẫn hơn cả loài cầm thú như cha, mẹ giết con, cháu giết ông bà, vợ giết chồng, chồng giết vợ… Nguyên nhân có hàng ngàn lẻ một, nhưng một nguyên nhân mà mỗi chúng ta dễ bỏ qua, đó chính là sự quan tâm thường xuyên đến gia đình. Một bữa ăn gia đình không chỉ là chuyện ăn mà còn là tình cảm, còn là đạo lý, là chất keo kết nối vững bền hạnh phúc gia đình.
Vậy mà với nhiều lý do, bữa ăn ấy có vẻ đang bị quên lãng, đang gặp khó trong thời @. Gia đình truyền thống tam đại đồng đường, tứ đại đồng đường đang bị nhìn nhận như là sự lỗi thời và toàn những khiếm khuyết khó chấp nhận. Có phải vậy không? Hãy cùng xem xét một cách khách quan xem có mặt nào tốt trong đó. Ai làm cha mẹ sẽ thấu hiểu rằng mình không có thời gian để gần con vì còn phải đi làm, còn phải mưu sinh, chứ không phải vì không yêu con. Thời gian ngắn ngủi, lại dễ bị chi phối bởi trạng thái công việc nơi cơ quan, nơi làm việc, cha mẹ chưa chắc đã thể hiện đúng, đủ tình yêu con cái bằng ông, bà. Người giúp việc không thể thay tình cảm cha mẹ, ông bà. Mặt khác, sống trong cộng đồng ruột thịt nhưng có nhiều độ tuổi, nhiều thế hệ cho phép ta kiểm nghiệm sự kiềm chế, sự hòa đồng trong khác biệt.
Trong cộng đồng ruột thịt ta còn không hòa đồng được, không tìm được tiếng nói khoan dung, tiếng nói vì cái chung, vì hạnh phúc, thử hỏi trong cộng đồng khác liệu ta có hòa đồng được không? Thói ích kỷ, sẵn sàng làm tổn thương người khác có phải ít có môi trường kiểm nghiệm, đánh giá và kiềm chế, nếu như không có gia đình. Đành rằng xã hội hiện đại tôn trọng cái riêng, tôn trọng cá nhân, nhưng không phải là cái cá nhân ích kỷ. Môi trường gia đình là môi trường tốt nhất để mỗi người tự đo nhân cách của mình. Một người không kính trọng cha mẹ, ông bà mình liệu có thể kính trọng người khác một cách “vô tư” không? Một người không dành tình thương yêu cho con mình liệu có thể dành tình yêu cho những đứa trẻ khác? Mỗi người có thể tự kiểm mình và nhìn người khác qua mái ấm gia đình.
Hãy dành tình yêu và thời gian cho gia đình, bởi đó chính là hạnh phúc. Kẻ bất hạnh nhất không phải là kẻ không có nhà, mà là kẻ có nhà (thậm chí là nhà cao cửa rộng) nhưng không tìm thấy hơi ấm trong ngôi nhà của mình! Mỗi người chúng ta đều rất bận rộn vì xã hội hiện đại và năng động đòi hỏi điều đó. Nhưng không vì bất kỳ lý do nào quên lãng chăm chút cho mái ấm gia đình. Hơi ấm trong mái nhà ấy đem lại hạnh phúc và sự bình yên cho mỗi chúng ta. Hãy vì chính chúng ta để có nhiều gia đình hạnh phúc. Và có nhiều gia đình hạnh phúc để có một xã hội tốt đẹp và đáng sống!
TS NGUYỄN VIẾT CHỨC