Đường BOT hư hỏng nặng, sao vẫn thu phí?
VHO- Mới đây, Bộ trưởng Bộ GTVT tuyên bố sẽ “đóng cửa trạm thu phí nếu để đường hư hỏng”. Tuyên bố của người đứng đầu ngành GTVT khiến người dân rất hoan nghênh, đồng tình nhưng vấn đề là cơ quan chức năng liên quan có thực hiện đúng như cam kết, tuyên bố hay không? Bởi lẽ, hiện rất nhiều tuyến đường BOT qua hàng chục tỉnh, thành hư hỏng khá nặng, kéo dài nhiều năm nhưng chỉ sửa chữa chắp vá, sơ sài và vẫn thu phí như thường!
Có thể khẳng định rằng việc đường hư hỏng nặng nhưng các nhà đầu tư chỉ quan tâm đến thu phí mà không nghĩ đến việc phải gấp rút sửa chữa là điều bất hợp lý, không phù hợp với nguyên tắc kinh doanh. Theo nguyên tắc kinh doanh thì người cung cấp dịch vụ phải đảm bảo yêu cầu về chất lượng dịch vụ mới được thu phí dịch vụ đó. Nếu dịch vụ không đảm bảo chất lượng, đáp ứng yêu cầu phải lập tức ngừng thu phí, ít ra thì cũng phải có động thái miễn, giảm hoặc xin lỗi khách hàng vì điều này...
Thực tế nhiều nhà đầu tư chỉ tính đến số tiền họ bỏ ra bao nhiêu khi làm đường BOT mà ít khi quan tâm, tính toán đến việc phải duy tu, bảo dưỡng, dù trên thực tế họ có kê khai khoản chi phí này với cơ quan quản lý nhà nước. Do đó, sau khi xây xong là chỉ tập trung thu phí mà không quan tâm đến duy tu, bảo dưỡng định kỳ, đột xuất. Đây là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến việc nhiều đường BOT hư hỏng nặng, thậm chí không sử dụng được vẫn tiến hành thu phí!
Việc đường BOT hư hỏng nặng mà vẫn tiến hành thu phí là xâm phạm trực tiếp đến quyền lợi chính đáng của người dân. Nói cách khác là người dân bị “móc túi” một cách quá lộ liễu, phi lý, bởi họ không được sử dụng dịch vụ tốt nhưng vẫn phải trả tiền như bình thường là không thể chấp nhận được.
Ngoài ra, đường xấu, hư hỏng còn là nguyên nhân gây mất an toàn giao thông, tai nạn giao thông cho người đi đường. Thực tế nhiều vụ tai nạn giao thông là do vấp phải ổ trâu, ổ gà hoặc do mặt đường sụt lún, hư hại...
Do đó, cơ quan chức năng cần quyết liệt, mạnh tay hơn nữa trong việc buộc nhà đầu tư, doanh nghiệp đầu tư đường BOT phải tuân thủ nguyên tắc kinh doanh, cung cấp dịch vụ, đó là chỉ thu phí khi đường giao thông đảm bảo chất lượng, an toàn như khi mới đưa vào sử dụng.
Bên cạnh đó, cần truy cứu trách nhiệm chủ đầu tư, đơn vị vận hành đường BOT khi xảy ra tai nạn giao thông liên quan đến chất lượng đường giao thông không đảm bảo. Theo đó, ngoài trách nhiệm dân sự phải bồi thường cho người đi đường cần xem xét trách nhiệm hình sự nếu để xảy ra các tai nạn đặc biệt nghiêm trọng.
Tuyệt đối không nên buông lỏng, thờ ơ khi các nhà đầu tư BOT ngang nhiên “đè đầu, cưỡi cổ” người dân để thu phí trong khi đường bị hư hỏng nặng. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi, túi tiền người dân và còn là nguyên nhân gây ra các vụ tai nạn giao thông đáng tiếc chỉ vì đường BOT hư hỏng, kém chất lượng.
Th.S PHẠM VĂN CHUNG