Dư luận xã hội thời đại công nghệ số
VHO_ Dư luận là những thông tin lan truyền trong xã hội kèm thái độ về các dữ kiện của thông tin ấy, được cho là tốt hay xấu, là hay hay dở, là đồng tình hay phê phán... Thuở xưa, dư luận xã hội được lan truyền bằng miệng; ngày nay, dư luận được lan truyền vừa bằng miệng lại vừa “on-lai”. Cái khác là ở mức độ, độ nhanh, độ rộng của dư luận.
Dư luận (public opinion) là tất yếu trong xã hội loài người, thông qua các lời đồn (rumour). Dù thích hay không, dù tốt hay xấu thì dư luận vẫn cứ xuất hiện, vẫn cứ tồn tại.
Bởi vậy, người ta phải chấp nhận nó chứ không có cách nào khác. Nếu là dư luận tốt, ắt sẽ có tác động xã hội tốt, góp phần hạn chế cái xấu, cái ác; nhược bằng dư luận bị vấy bẩn bởi ý đồ xấu, thì cái tốt sẽ bị kiềm chế, người hay kẻ dở, người thiện kẻ ác sẽ bị đánh lộn sòng. Cho nên, vấn đề không phải là ngăn chặn dư luận (một sứ mệnh bất khả thi), mà là làm trong lành dư luận xã hội.
Dư luận trong lành trước hết phải là dư luận đúng sự thật. Sự thật được thông tin phải phản ánh đầy đủ, đúng với bản chất của nó. Người ta thường nói: Một nửa sự thật không phải là sự thật! Tôi cho rằng, thậm chí sự thật đến 99% vẫn chưa phải là sự thật, bởi chỉ cần 1% dối trá là người ta có thể xuyên tạc, hiểu sai hoàn toàn bản chất của một sự việc. Huống hồ trong xã hội nào cũng luôn có một số kẻ muốn xuyên tạc sự thật, thông qua dư luận xã hội để mưu đồ riêng. Chẳng hạn, thời xưa từng có những kẻ tung tin đồn thất thiệt để loại bỏ đối thủ của mình, có khi là người bên kia chiến tuyến, có khi là người ngay cùng một chiến hào. Người ngay thật đôi khi biết mưu đồ tạo dư luận nhằm hãm hại mình và tìm cách hóa giải, nhưng dư luận một khi đã lan truyền rộng, làm sao có thể thanh minh cho đủ?
Mạng xã hội tạo ra sự lan truyền rộng gấp bao nhiêu lần so với trước kia. Nó rất thần tốc. Sự lan truyền chuyển tiếp như hiệu ứng domino, như phản ứng nguyên tử. Và như một quán tính, người ta cũng phản ứng theo tinh thần “ai nhanh hơn”, “ai sớm hơn” mà không kịp suy nghĩ cho kỹ lưỡng liệu đó có phải là sự thật hay không? Rồi các chia sẻ (share), bình luận (comment) quanh các dữ kiện thông tin, cái nọ kế tiếp cái kia thành phản ứng dây chuyền. Nếu dư luận trong lành, tích cực, thì những phản ứng qua mạng xã hội sẽ có hiệu ứng tốt tức thì. Chẳng hạn, có thể kịp cảnh báo, ngăn chặn một vụ con cái ngược đãi cha mẹ, bạo hành con trẻ mà ta đã có lần trông thấy. Nếu dư luận bị vẩn đục bởi mưu đồ xấu, sai sự thật và bình luận tiêu cực, thì người trong cuộc bị áp lực cực lớn, có thể dẫn đến trầm cảm và các hậu quả khó lường, bên cạnh một ít người mạnh mẽ thì bảo mặc kệ dư luận, đứng trên dư luận mà sống…
Nói đến dư luận xã hội, người ta hay nghĩ đến nghĩa xấu của nó, nhưng thật sự nó bị phân thân, bị giằng kéo bởi hai thái cực. Tôi cho rằng, dư luận xã hội không chỉ tất yếu mà còn rất cần thiết, bởi giả sử như không có nó, thì con người - xã hội được điều chỉnh bởi gì? Pháp luật là đương nhiên, nhưng pháp luật cũng có hạn chế nhất định và không thể bao trùm mọi khía cạnh muôn hình vạn trạng của đời sống, nhất là những vấn đề căn cốt mà vô hình như đạo đức, lòng nhân... Dư luận xã hội sẽ là sự cảnh báo cho những kẻ rắp tâm làm điều xấu, điều ác phải giật mình dừng lại.
Trong xây dựng đời sống văn hóa, dư luận xã hội cũng là nhân tố hữu ích. Trong công tác lãnh đạo, quản lý, người đứng đầu phải biết lắng nghe dư luận để nắm bắt tình hình, tất nhiên phải có sàng lọc, nhận chân đúng đắn. Đương nhiên đó là dư luận xã hội trong lành và tích cực. Do vậy, khi tham gia lan truyền và bình luận về sự việc hay con người nào đó trên mạng xã hội, cái đầu tiên người ta phải thận trọng tự hỏi: Sự việc này có thật hay không, và thái độ của mình với nó như thế nào cho đúng đắn? Nghĩa là, ít ra ta cũng cần tránh không làm cho dư luận xã hội bị vẩn đục.
CAO CHƯ