Dẹp quảng cáo, rao vặt sao khó thế?
Hiện nay, tờ rơi quảng cáo, rao vặt được sơn, dán khắp nơi gây mất mỹ quan, phản cảm. Cứ ra ngõ là gặp tờ rơi quảng cáo, rao vặt chằng chịt, khắp phố xá vào đến tận cổng, ngõ của mỗi gia đình. Ngay cả biển hiệu của cơ quan bảo vệ công lý như TAND TP Hà Tĩnh cũng bị “bao vây”, che kín bởi tờ rơi quảng cáo “cho vay trả góp” nhem nhuốc, phản cảm, mất mỹ quan.
Một số địa phương để dẹp quảng cáo, rao vặt đã tổ chức hẳn các “chiến dịch”, phong trào ra quân khá rầm rộ, huy động nhiều lực lượng tham gia xóa, gỡ bỏ các tờ rơi quảng cáo, rao vặt. Tuy nhiên, sau một thời gian “đâu lại vào đấy” và phong trào, chiến dịch rơi vào tình trạng “đầu voi, đuôi chuột”! Nguyên nhân là do thực hiện công việc này không làm thường xuyên, liên tục, quyết liệt và bài bản.
Có thể nói, nếu có quyết tâm, cách làm quyết liệt thì việc dẹp bỏ quảng cáo, rao vặt không khó đến mức không thể làm được! Bởi vì, quảng cáo, rao vặt thì số điện thoại liên lạc, địa chỉ liên hệ là bắt buộc, không thể thiếu. Do đó, để xử lý chỉ cần triệu tập chủ các thuê bao điện thoại lên nhắc nhở, nếu tiếp tục sai phạm thì yêu cầu đơn vị cung cấp dịch vụ viễn thông cắt liên lạc, chặn các cuộc gọi của số điện thoại đó là xong.
Riêng đối với tờ rơi quảng cáo, rao vặt có địa chỉ cụ thể, rõ ràng thì cơ quan chức năng có thể đến trực tiếp tận nơi để xử lý vi phạm. Thậm chí, nếu có dấu hiệu lừa đảo, bán sản phẩm nhái, giả hoặc cung cấp dịch vụ không đúng quảng cáo có thể xem xét truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định.
Việc quảng cáo, rao vặt dán khắp nơi không chỉ phản cảm, mất mỹ quan mà còn là hành vi vi phạm pháp luật về quảng cáo. Theo quy định hiện hành, các hành vi vi phạm các quy định về quảng cáo được có thể bị xử phạt vi phạm hành chính lên đến 100 triệu đồng. Trong một số trường hợp vi phạm nghiêm trọng hơn có thể bị xử lý hình sự với tội quảng cáo gian dối quy định tại Điều 168 Bộ luật Hình sự năm 2015 với mức phạt tù lên đến 3 năm.
Ngoài ra, một số đối tượng cho vay nặng lãi, làm ăn phi pháp đã lợi dụng quảng cáo, rao vặt để tuyên truyền, lừa đảo người dân một cách công khai mà không bị cơ quan chức năng xử lý. Lý do, là nhiều người dân thường lầm tưởng sản phẩm, việc làm trên các tờ rơi quảng cáo, rao vặt là hợp pháp, chính xác. Bởi lẽ, nhiều người vẫn có suy nghĩ, tin tưởng “tuyệt đối” vào sự quản lý của cơ quan chức năng theo kiểu “nếu lừa đảo, làm bậy thì đã bị chính quyền xử lý rồi”!
Vì vậy, cơ quan năng cần kiên quyết dẹp bỏ tình trạng quảng cáo, rao vặt tràn lan như hiện nay. Điều này không những khôi phục lại mỹ quan cho đô thị mà còn ngăn chặn hành vi vi phạm pháp luật diễn ra công khai như hiện nay. Bên cạnh đó, chính quyền các địa phương cũng nên bố trí địa điểm phù hợp, có thể thu phí nhằm đáp ứng nhu cầu quảng cáo, rao vặt của các tổ chức, cá nhân.
ThS PHẠM VĂN CHUNG